Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Tallinn, Estonia ngày 29/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo bà Merkel, liên đảng CDU/CSU sẽ có các cuộc đối thoại riêng rẽ với FDP và đảng Xanh trong ngày 18/10. Sau đó tất cả các bên sẽ có một phiên thảo luận chung 2 ngày sau đó.
Theo kết quả bầu cử hồi tháng trước, CDU/CSU chiến thắng với tổng cộng 33% số phiếu bầu, thấp nhất trong lịch sử của liên đảng này kể từ năm 1949. Về vị trí thứ 2 là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) với 20,5% ủng hộ. SPD vốn là đối tác trong liên minh cầm quyền tại Đức suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, SPD đã tuyên bố trở thành đảng đối lập sau cuộc bầu cử lần này. Điểm đáng lo ngại trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức vừa qua là sự vươn lên của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo khuynh hướng cực hữu. Với việc giành được 12,6% số phiếu bầu, AfD lần đầu tiên có chân trong Quốc hội Liên bang và trở thành đảng lớn thứ 3 trong cơ quan lập pháp Đức. Hai đảng nhỏ hơn là FDP và đảng Xanh lần lượt giành được 10,7% và 8,9% số phiều bầu.
Trong bối cảnh trên, chính quyền liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel phải tiến hành các cuộc thảo luận thành lập liên minh với 2 đảng còn lại là FDP và đảng Xanh. Giới chuyên gia dự đoán đây sẽ là một tiến trình đàm phán gai góc do 3 bên có quan điểm khác biệt trên nhiều vấn đề từ thuế, năng lượng cho tới các vấn đề liên quan tới châu Âu.
FDP là đảng theo đường lối thân thiện với kinh doanh, trong khi đảng Xanh vốn là cánh tả truyền thống. Việc hình thành liên minh giữa liên đảng CDU/CSU và FDP cùng đảng Xanh ở cấp quốc gia là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Đức và đang được ví như "Liên minh Jamaica" do mầu sắc cờ của 3 đảng này kết hợp gồm đen, vàng và xanh giống như quốc kỳ của Jamaica.