“Là một người tị nạn chỉ là tạm thời. Các bạn phải trở về và giúp xây dựng đất nước khi các bạn có cơ hội. Điều đó cho phép chúng tôi giúp đỡ những người tị nạn khác”, đài Sputnik dẫn lời nữ lãnh đạo Đan Mạch phát biểu ngày 22/3.
Trước đó, Đại sứ Ukraine tại Đan Mạch ông Mykhailo Vydoinyk cũng gợi ý những người Ukraine di tản không cần hòa nhập với xã hội Đan Mạch mà nên trở về tổ quốc và giúp xây dựng đất nước khi thời điểm đến.
Ngoại trưởng Đan Mạch Mattias Tesfaye cho hay số lượng người Ukraine vào quốc gia này có thể vượt quá con số 20.000 mà trước đó giới chức dự kiến.
Thông qua cơ chế đặc biệt, người Ukraine sơ tán được phép ở lại Đan Mạch trong 2 năm. Trong thời gian đó, họ có quyền làm việc, đi học và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này của Đan Mạch đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền, trong đó có tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW). Tổ chức này cáo buộc Đan Mạch thiên vị người Ukraine hơn những người xin tị nạn đến từ các nước khác.
Theo tổ chức này, trong những năm qua, Đan Mạch là một trong những quốc gia châu Âu cứng rắn trong việc thiết lập các chính sách và luật lệ nhằm ngăn cho người dân các nước khác đến xin tị nạn. Thậm chí có thời điểm Đan Mạch còn tuyên bố áp dụng chính sách “không tị nạn”.
Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2. Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 3,3 triệu người Ukraine đã sơ tán đến các nước láng giềng kể từ khi xảy ra xung đột.