Khi các hoạt động kinh tế dần được mở cửa trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng ở cả hai nước, lưu lượng hành khách/hàng hóa qua biên giới sẽ tăng. Theo Thủ tướng Trudeau, thực tế này sẽ đòi hỏi các biện pháp bổ sung để đảm bảo những người mới nhập cảnh vào Canada tuân thủ triệt để các quy định về tự cách ly.
Biên giới giữa Mỹ và Canada đã được đóng đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu vào ngày 20/3 và lệnh đóng cửa này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 21/5. Những “hoạt động đi lại cần thiết” không bị cấm. Thủ tướng Trudeau không cho biết liệu lệnh đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục được kéo dài hay sẽ được dỡ bỏ vào cuối tuần sau. Trong khi đó, Thủ thiến tỉnh Ontario, Doug Ford đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng tỉnh bang Ontario không muốn để các du khách Mỹ nhập cảnh. Mỹ hiện ghi nhận hơn 1,4 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2, với trên 83.000 người tử vong.
Thủ tướng Trudeau cho biết Canada và Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận mang tính tích cực và xây dựng, về vấn đề biên giới, cũng như nhiều vấn đề khác trong khuôn khổ của lợi ích song phương. Ông nhấn mạnh về quan điểm thận trọng của Canada đối với các vấn đề đang được thảo luận.
Canada và Mỹ chia sẻ đường biên giới dài nhất thế giới (8.900 km). Theo thống kê, trước khi có đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mỗi ngày ước tính lượng hàng hóa trị giá khoảng 2,7 tỷ CAD (trên 1,8 tỷ USD Mỹ) đi qua biên giới Canada-Mỹ. Hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa Canada và Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Canada
Trong khi đó, nhiều tuần sau khi khu vực Bắc Mỹ áp dụng biện pháp phong tỏa, các cửa hàng phải đóng cửa và doanh số bán sụt giảm, ngành bán lẻ Canada đang trong thời điểm khó khăn nhất của nhiều thập kỷ.
J.Crew và chuỗi cửa hàng đồ xa xỉ phẩm Neiman Marcus đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ở Canada, Aldo Group cũng đạt được thỏa thuận với các chủ tín dụng để tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Reitmans Canada Ltd. thông báo đang tìm kiếm nguồn tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán, một chỉ dấu cảnh báo về tương lai bất ổn của doanh nghiệp này.
Nhưng ngành bán lẻ đã "ốm yếu" ngay cả trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Với nguồn tiền mặt hạn chế và hoạt động kinh doanh trì trệ, nhiều nhà bán lẻ đã rơi vào thế hiểm nguy. Bị bồi thêm cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ không thể "qua khỏi". Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, lĩnh vực này chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm 2019, mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009. Đây là vấn đề lớn đối với nền kinh tế Canada.
Theo Hội đồng bán lẻ Canada, ngành bán lẻ trị giá 600 tỷ CAD (426 tỷ USD) của nước này hiện sử dụng hơn 2,2 triệu nhân công. Nhiều lao động trong ngành làm việc tại các cửa hàng không thiết yếu (là những cửa hàng bị tạm đóng cửa trong đại dịch). Mặc dù một số tỉnh ở Canada đã bắt đầu công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, nhưng chưa thể xác định được khi nào số lượng người đến các cửa hàng mới phục hồi.