Cụ thể, ông Morrison cho biết ông và Giám đốc Y tế liên bang Paul Kelly sẽ tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech được sử dụng trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng. Trong khi đó, các quan chức cao cấp khác gồm Thủ hiến bang New South Wales và Bộ trưởng Y tế liên bang sẽ chờ vaccine của AstraZeneca, dự kiến sẽ có từ tháng 3. Nếu theo đúng chiến lược tiêm chủng được chính phủ công bố, ông Morrison, 52 tuổi, sẽ được tiêm vaccine AstraZeneca vào cuối năm trong giai đoạn 2. Lý giải về sự thay đổi này, ông Morrison cho biết việc ông sẵn sàng tham gia tiêm chủng sẽ góp phần chứng minh việc tiêm chủng là an toàn.
Trong giai đoạn đầu, dự kiến tại bang New South Wales sẽ có khoảng 35.000 nhân viên làm công tác cách ly và nhân viên y tế tuyến đầu được tiêm chủng trong 3 tuần tới tại các trung tâm tiêm chủng và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Chính quyền bang New South Wales khẳng định sẽ có những hình thức khuyến khích người dân đi tiêm chủng, không bắt buộc hay áp dụng các biện pháp phạt người không đi tiêm.
Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia (ANU) công bố ngày 19/2, khoảng 20% người dân Australia hiện chưa chắc chắn sẽ đồng ý hay từ chối tiêm vaccine phòng COVID-19. Khảo sát do các nhà khoa học tại ANU thực hiện với gần 4.000 người dân Australia chỉ ra so với lần khảo sát được thực hiện vào tháng 8/2020, số lượng người lựa chọn “có thể sẽ không tiêm vaccine” tăng từ mức 7,2% lên mức 13,3%. Trong khi đó, số người khẳng định “chắc chắn sẽ tiêm vaccine” giảm từ 58,5% xuống 43,7%. Số người hiện chưa quyết định việc có tham gia tiêm chủng hay không tăng từ mức 28,7% lên 34,7%.
Lý giải cho kết quả trên, Giáo sư Nocholas Biddle, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết người dân chưa chắc chắn có tiêm vaccine hay không chủ yếu do 3 yếu tố gồm lo ngại về tác dụng phụ của vaccine, chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe và không lạc quan về triển vọng vaccine chống lại bệnh COVID-19. Theo giáo sư này, để việc tiêm phòng được phổ cập rộng rãi, Chính phủ Australia cần tăng cường các chiến dịch thông tin công khai, cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, cũng như làm nổi bật triển vọng về tương lai an toà hơn khi mọi người đều tham gia tiêm phòng.
Theo kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 toàn dân được hoàn thiện hồi tháng 1 vừa qua, tất cả người dân có mặt tại Australia, kể cả công dân nước ngoài, đều được tiêm chủng miễn phí, từ cuối tháng 2/2021 đến hết tháng 10/2021. Ngày 17/2, 142.000 liều vaccine Prizer đầu tiên đã được vận chuyển từ Bỉ tới Australia một cách an toàn và đảm bảo chất lượng, sau khi Cơ quan Y tế của Australia cấp phép cho cả vaccine của Pfizer/BionNtech và AstraZeneca. Dự kiến 80.00 liều sẽ chính thức được tiêm từ ngày 22/2, trong đó 55.000 liều sẽ được phân bổ cho các bang trong cả nước để tiêm chủng cho các nhân viên làm nhiệm vụ cách ly và các nhân viên tuyến đầu khác phải tiếp xúc với người nhập cảnh từ nước ngoài.
Bộ trưởng Y tế Grey Hunt khẳng định Australia đang đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19. Các lô vaccine tiếp theo của Pfizer sẽ tiếp tục được chuyển tới Australia, với số lượng khoảng 80.000 liều/tuần, bắt đầu từ tháng 3 tới, trong tổng số 20 triệu liều vaccine được ký kết giữa Công ty Pfizer và Chính phủ Australia. Ngoài ra, cũng trong tháng này, hơn 3 triệu liều vaccine của AstraZeneca sẽ bắt đầu được vận chuyển tới Australia từ châu Âu, 47 triệu liều vaccine khác của AstraZeneca cũng đang được sản xuất tại thành phố Melbourne (bang Victoria).