Trước đó Thủ tướng Anh vào tối 10/3 cũng đã thảo luận với ông Juncker sau khi điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu trong hai ngày 8 và 9/3 nhằm nỗ lực tìm kiếm một sự đột phá trong các cuộc đàm phán để đạt được nhượng bộ của EU đối với thỏa thuận Brexit, bởi những nhượng bộ này sẽ khiến Quốc hội Anh có thể dễ chấp nhận hơn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết Thủ tướng May sẽ tới Strasbourg trong ngày 11/3 nhằm tìm kiếm một sự đột phá trong tiến trình đàm phán Brexit, lưu ý các trở ngại vẫn còn hiện hữu. Theo ông Coveney, EU sẽ nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận Brexit nhằm xoa dịu những quan ngại xung quanh điều khoản "rào chắn" đối với biên giới Ireland, song sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề ưu tiên cốt lõi của liên minh này.
Cùng ngày, các nhà ngoại giao EU cho biết một thỏa thuận Brexit gần như sắp đạt được vào ngày 9/3 sau khi EU trình bày vắn tắt các cơ chế hợp pháp mà Anh có thể sử dụng để đơn phương bỏ qua điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi, song kế hoạch này đã bị nội các của Thủ tướng May bác bỏ. Dự kiến, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên còn lại của EU hậu Brexit sẽ tụ họp tại Brussels trong ngày 21/3 tới nhằm thảo luận về vấn đề Brexit.
Theo kế hoạch, Thủ tướng May sẽ trở lại Quốc hội Anh vào ngày 12/3 để trình bày thỏa thuận Brexit sửa đổi trước các nghị sĩ. Nếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May lại tiếp tục bị phản đối, các nhà lập pháp Anh có thể bỏ phiếu về việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 13/3. Trong trường hợp Quốc hội Anh cũng bác bỏ "Brexit cứng" thì các nhà lập pháp nước này sẽ tiếp tục bỏ phiếu về việc trì hoãn Brexit vào ngày 14/3.
Hiện Thủ tướng May đang phải đối mặt với sức ép từ chức nặng nề khi những nghị sĩ đảng Bảo thủ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cho rằng nữ chính khách này có thể phải "hy sinh ngôi vị thủ tướng" để đổi lấy số phiếu ủng hộ từ nhóm này trong cuộc bỏ phiếu quan trọng sắp tới.
Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, thỏa thuận Brexit từng bị bác bỏ với số phiếu phản đối áp đảo và đến giờ phút này vẫn chưa có thỏa thuận "ra đi" nào. Lý do chủ yếu nằm ở điều khoản "rào chắn" về biên giới với Ireland, tức một chính sách đảm bảo không xuất hiện đường biên giới cứng giữa tỉnh Bắc Ireland (thuộc Anh) với nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU) sau Brexit. Các nghị sĩ Anh muốn những thay đổi có tính ràng buộc pháp lý đối với thỏa thuận của bà May để đảm bảo rằng điều khoản này sẽ không tồn tại vĩnh viễn, nhưng các cuộc đàm phán gần đây giữa Anh và EU vẫn chưa đạt tiến triển.