Phát biểu trước Quốc hội trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày 29/1 của Hạ viện về các đề xuất cho Brexit, Thủ tướng May nêu rõ đây là một cơ hội để London gửi đi thông điệp rõ ràng tới Brussels về việc nước Anh muốn gì trong một thỏa thuận Brexit.
Nữ thủ tướng cũng cho biết bà đang tìm cách tái đàm phán thỏa thuận Brexit đã nhất trí trước đó với EU để đạt được những thay đổi "đáng kể". Bà thừa nhận thương lượng một sự thay đổi như vậy sẽ không dễ dàng và chắc chắn sẽ vấp phải phản đối từ EU.
Lãnh đạo đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland, ông Nigel Dodds, hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng May về việc đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Ông tuyên bố chừng nào bà May nỗ lực tìm kiếm một giải pháp giúp tránh một đường biên giới "cứng" giữa Bắc Ireland và nước Ireland thuộc EU cũng như mọi biên giới trong lòng Vương quốc Anh, bà sẽ nhận được sự ủng hộ của DUP.
Trong khi đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng chính phủ sẽ phải trì hoãn Brexit do thời hạn để đạt được một thỏa thuận với EU không còn nhiều. Dù kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 29/1 của Hạ viện Anh có như thế nào chăng nữa, việc Chính phủ Anh phải gia hạn Điều 50 là "không thể tránh khỏi".
Theo kế hoạch, trong ngày 29/1 theo giờ London, Hạ viện Anh sẽ thảo luận và bỏ phiếu về các bước đi tiếp theo của Thủ tướng May sau khi các nghị sĩ bác bỏ thỏa thuận Brexit của bà trong cuộc họp hồi đầu tháng.
Cuộc họp sẽ là cơ hội để các bên tìm xem có thể đưa ra những thay đổi gì đối với chiến lược của bà May để nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, sau đó Thủ tướng May có thể đến Brussels đàm phán lại thỏa thuận sửa đổi trước khi đưa trở lại thông qua tại Quốc hội.
Đến nay đã có 14 đề xuất sửa đổi được trình. Từng đề xuất sẽ được đưa ra bỏ phiếu riêng từ 19h00 cùng ngày giờ địa phương (tức 2h00 ngày 30/1 theo giờ Hà Nội). Mỗi cuộc bỏ phiếu sẽ kéo dài 15 phút và kết quả sẽ được thông báo ngay tại Hạ viện. Sau khi bỏ phiếu về các đề xuất sửa đổi được hoàn tất, một cuộc bỏ phiếu cuối cùng sẽ được tổ chức.