Tương tự như các tờ Washington Post, Wall Street Journal, New York Times, Financial Times của Mỹ; cũng như các ấn phẩm BDLIve, Mail & Guardian và Biznews của Nam Phi, trang News24 đã giới thiệu dịch vụ tính phí đối với tin tức và phân tích chuyên sâu, một chiến lược mà họ gọi là “Freemium”. Phần tin nóng sẽ vẫn được trang này miễn phí cho người đọc.
Mô hình mới này vừa được giới thiệu vào ngày 8/8/2020 và mặc dù chưa có số lượng tiêu thụ nào được tiết lộ, nhưng Tổng biên tập Adriaan Basson của News24 cho biết ông rất hài lòng với phản hồi từ độc giả. “Mô hình này thành công hợn kỳ vọng. Sự đón nhận tích cực từ độc giả và cộng đồng thực sự khích lệ chúng tôi”, ông nói.
Nếu như 3 hay 4 năm trước, hầu như không có tờ báo nào bắt người đọc trả tiền để đọc tin tức trực tuyến, ngoại trừ New York Times, FT và Wall Street Journal, thì giờ đây rất nhiều các trang web trực tuyến đã làm việc này, dưới các hình thức khác nhau. Chẳng hạn, trang tin Moneyweb cho đọc miễn phí nhưng yêu cầu đăng ký để truy cập các nội dung cũ.
“Đã có một sự thay đổi lớn trong nhận thức và hành vi của người đọc trong vài năm qua. Mọi người thừa nhận rằng các bài báo có giá trị thì xứng đáng được trả phí", ông Basson nhận xét.
Còn ông Peter Vandermeersch, giám đốc Independent News & Media, công ty mẹ của tờ The Irish Times, thì ví von: “Hãy tưởng tượng - Chúng tôi là thợ làm bánh và chúng tôi làm bánh sừng bò. Nếu bạn đến cửa trước, bạn sẽ trả tiền mua bánh. Nhưng nếu bạn đến cửa sau, cửa kỹ thuật số, chúng tôi cho bạn bánh miễn phí”.
Nhưng câu chuyện hấp dẫn vô lý này đã kết thúc. “Từ bây giờ, kể cả ở cửa sau, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu 2,5 euro một tuần để lấy bánh sừng bò”, ông nói.
Kể từ đầu năm nay, ngày càng có nhiều độc giả sẵn sàng trả tiền để đọc các bài báo có nhiều thông tin giá trị, thay vì các thông tin hời hợt, với số lượng vượt xa mong đợi của các tòa soạn.
Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn trong vài tháng qua khi mọi người bị cách ly do các lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Vai trò của các cơ quan báo chí trực tuyến có trách nhiệm càng trở nên quan trọng hơn do độc giả phải tìm kiếm các thông tin chính xác về đại dịch - giữa một biển thông tin sai lệch và tin tức giả - cũng như những nội dung giải trí giúp họ vượt qua giai đoạn đầy bức bối.
Lượng người đọc hàng ngày trên các trang web như News24 đã tăng gần gấp đôi, từ 800.000 lên 1,6 triệu người/ngày, trong khi trên trang Daily Maverick tăng lên khoảng 300-500 ngàn người/ngày.
“Đại dịch gây ra bởi virus corona càng cho thấy vai trò không thể thiếu của báo chí trong xã hội ngày nay”, Kirstine Stewart - người đứng đầu bộ phận Định hình Tương lai của Truyền thông, Giải trí và Văn hóa tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới - nhận định.
Bà nói: “Với ngày càng nhiều nội dung có giá trị, ngành công nghiệp báo chí truyền thông cần các mô hình tài chính cho phép họ vừa theo đuổi tôn chỉ mục đích vừa tạo điều kiện cho độc giả tiếp cận các thông tin quan trọng. Các cơ quan báo chí không thể làm một mình: Việc này đòi hỏi phải có sự bàn bạc, kể cả với các cơ quan quản lý, để tìm ra các giải pháp cân bằng giữa đổi mới kinh doanh, quyền của độc giả và trách nhiệm cộng đồng của mọi cơ quan, doanh nghiệp trong ngành báo chí”.
Khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố một cuộc khảo sát có tên “Tìm hiểu giá trị của truyền thông: Quan điểm độc giả và các cơ quan báo chí”. Khảo sát này ghi lại ý kiến của hơn 9.100 người ở Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh và Mỹ liên quan tới sở thích và thói quen nghe-xem-đọc cũng như thanh toán của họ.
Kết quả khảo sát như sau: 96% những người được hỏi cho biết họ có đọc, xem hoặc nghe tin tức và giải trí. Thời lượng: 23,6 giờ/tuần. 60% độc giả có đăng ký với cơ quan báo chí (hoặc miễn phí hoặc trả phí); 16% trả tiền để đọc tin tức; 44% trả cho giải trí; 61% thanh niên (16-34 tuổi) trả tiền cho các nội dung giải trí; 22% người lớn tuổi (trên 55) trả tiền cho các nội dung giải trí.
Số người trẻ (16-34 tuổi) ở Đức, Anh và Mỹ sẵn sàng trả tiền để đọc tin tức nhiều gấp đôi so với số người lớn tuổi (trên 55).
Kết quả khảo sát nói trên rất có giá trị đối với các cơ quan báo chí theo đuổi chủ trương cung cấp thông tin đáng tin cậy và chính xác.
Tuy nhiên, các nhóm độc giả có thu nhập thấp tỏ ra không sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ tin tức. Đây là một vấn đề đáng quan ngại đối với những ai mong muốn phổ cập thông tin chính xác tới mọi người dân.
Ngoài ra, mới có chưa đầy một nửa số người đọc chấp nhận trả tiền cho các nội dung thông tin và giải trí, đồng nghĩa với việc các công ty truyền thông lớn sẽ phải rất nỗ lực để thu hút và giữ chân những độc giả trả phí.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy những thông tin tích cực. Mặc dù tỷ lệ người đọc chấp nhận trả tiền hiện vẫn thấp, nhưng số người đồng ý trong tương lai sẽ trả tiền cho các nội dung thông tin và giải trí lại tăng lên. Tính chung trên toàn cầu, tỷ lệ người sẵn sàng chi trả trong tương lai là 53% cho tin tức và 70% cho nội dung giải trí.
Ông Basson hiểu rằng ở Nam Phi, có một tỷ lệ khá lớn độc giả của trang tin News24 không có khả năng thanh toán để đọc tin tức mỗi ngày. “Chúng tôi sẽ không bao giờ tính phí cho những tin nóng. Điều tối quan trọng là mọi người phải được tiếp cận thông tin chính xác càng nhanh càng tốt, và chúng chiếm phần lớn nội dung của News24. Nhưng có những độc giả muốn đọc sâu hơn, họ sẽ sẵn sàng trả tiền để đọc các chuyên mục và các bài báo chuyên sâu của chúng tôi ”, ông cho hay.
Trang News24, nền tảng tin tức trực tuyến lớn nhất ở Nam Phi, có nguồn thu từ quảng cáo rất lớn và đang phải tìm mọi cách để duy trì điều này. Quảng cáo hoạt động trên nguyên tắc quy mô - càng có nhiều người đọc, quảng cáo của bạn càng hiệu quả. Nhưng quảng cáo điện tử không đủ để duy trì các hoạt động của các tòa soạn. Bằng chứng là hàng loạt tòa soạn phải đóng cửa trong những năm gần đây.
Vấn đề nằm ở sức mạnh của các "ông lớn công nghệ" như Google và Facebook, hiện chiếm tới 60% tổng chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số, theo ước tính của eMarketer.
Ngoài việc lấy mất doanh thu của các cơ quan báo chí, các “đại gia” công nghệ còn khiến các cơ quan báo chí nổi giận bởi họ tái xuất bản (hoặc cho phép người dùng chia sẻ) các nội dung báo chí mà không san sẻ hợp lý nguồn doanh thu quảng cáo từ các nội dung này.
“Những tập đoàn này có các phần mềm phức tạp và một đội quân chuyên viên phát triển và kỹ sư phần mềm chuyên hỗ trợ các công ty quảng cáo nhắm đến đối tượng khách hàng một cách tinh vi”, ông Basson nói.
“Ngành công nghiệp báo chí đã không bắt kịp với công nghệ quảng cáo này. Chúng tôi bắt kịp với tư cách là một công ty, nhưng chi tiêu cho quảng cáo đã chảy sang các nền tảng này và sẽ không quay lại”, ông than thở.
Ông Basson cho biết có một số công ty quảng cáo đang hỗ trợ các tờ báo địa phương giành lại “quyền tự quyết” về doanh thu quảng cáo. “Chúng tôi nhận ra rằng tiền quảng cáo đang chảy đến các nền tảng mạng xã hội và rất khó để ngăn chặn xu thế này, nhưng họ cũng có thể hỗ trợ trong cuộc chiến sinh tồn của nền báo chí chính thống”.
Chính vì lý do trên mà trang News24 đã áp dụng mô hình doanh thu hai luồng, bao gồm đăng ký trả phí, và theo ông Basson mô hình này không nên đóng khung: “Có rất nhiều mô hình khác nhau và chúng tôi thấy rằng các hãng truyền thông trên thế giới điều chỉnh chiến lược dựa trên hành vi của người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ không ngại thay đổi mô hình của mình hoặc bổ sung các tính năng mới trong quá trình thực hiện”, ông nói.
Bởi vì ngoài kia đang là một thế giới hoàn toàn khác.