Thủ đô Jakarta nỗ lực kiểm soát chất lượng không khí

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Sở Môi trường Jakarta đã lắp đặt thêm các trạm giám sát chất lượng không khí trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm trong thành phố. Trong những tuần gần đây, Jakarta liên tục bị xếp hạng trong số những nơi ô nhiễm nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Các tòa nhà chìm trong khói mù do ô nhiễm tại Jakarta, Indonesia, ngày 16/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo chỉ số của công ty công nghệ chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir, Jakarta bị đưa và danh sách 10 thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới vào tuần trước.

Thành phố đã kêu gọi người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tránh đốt rác ngoài trời và thực hiện các hoạt động hữu ích khác để giảm ô nhiễm không khí đang khiến Jakarta “nghẹt thở” trong nhiều tháng qua.

Theo người đứng đầu Sở Môi trường Jakarta, Asep Kuswanto, thành phố  có 31 trạm giám sát được phân bố trên khắp 5 đô thị vệ tinh, bao gồm 1 trạm ở khu vực trung tâm Thủ đô và các trạm khác bố trí ở các hướng vùng ven.

Sở này sẽ tiếp tục mở rộng số lượng trạm quan trắc chất lượng không khí để xác định các nguồn gây ô nhiễm chính của thành phố, qua đó giúp chính quyền thực hiện các biện pháp xử lý hiệu quả hơn.
Ông Asep cho biết, Jakarta sẽ tiếp tục thắt chặt giám sát và thực thi pháp luật đối với các ngành công nghiệp, cũng như hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thông qua chính sách quy định biển số xe chẵn lẻ được lưu thông trên một số tuyến đường. Thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra khí thải bắt buộc đối với phương tiện cá nhân và thực hiện các biện pháp như tạo mây, phun sương… để quản lý ô nhiễm không khí.

Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Jakarta (BPBD) đã triển khai các hoạt động gieo hạt trên đám mây để gây mưa trong thành phố, nhằm nỗ lực làm sạch không khí.

Quyền Thống đốc Jakarta, Heru Budi Hartono khẳng định, ô nhiễm là vấn đề nhiều nơi trên thế giới gặp phải và nhấn mạnh các biện pháp do chính phủ và chính quyền Jakarta thực thi để cải thiện chất lượng không khí, như phun sương từ các tòa nhà cao tầng và các con đường lớn khắp thành phố. Đây được coi là giải pháp thay thế cho phương pháp gieo hạt trên đám mây.

Theo chuyên gia về ô nhiễm không khí, Ana Turyanti tại Đại học Nông nghiệp Bogor (IPB), chính quyền nên tập trung giải quyết các nguồn gây ô nhiễm thay vì áp dụng các giải pháp ngắn hạn như phun sương.

Bà cho biết: “Phun sương là biện pháp đối phó cục bộ, do đó không thể áp dụng để giải quyết tình trạng ô nhiễm trên diện rộng”. Bà Ana nói thêm rằng các chính sách chiến lược là cần thiết cho tương lai và lâu dài. Điển hình là khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch cho ngành công nghiệp, thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng và hợp tác với chính quyền khu vực để ngăn chặn ô nhiễm xuyên biên giới lan đến Jakarta.

Nhà môi trường Bondan Andriyano của tổ chức Greenpeace Indonesia cũng kêu gọi chính phủ bắt đầu tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Chính phủ nên tập trung vào các nhà máy điện chạy bằng than trước vì chúng gây ra 34% ô nhiễm không khí ở Jakarta, theo kết quả nghiên cứu của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp công bố năm 2023.

Đây không phải là lần đầu tiên Jakarta có tên trong danh sách những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Tháng 8 năm ngoái, Jakarta đã giữ vị trí dẫn đầu trong gần một tuần với nồng độ hạt mịn AQI và PM2.5 ở mức không tốt cho sức khỏe, gây ra sự phẫn nộ của người dân.

Đỗ Quyên (TTXVN)
Jakarta chính thức trở thành 'cố đô' của Indonesia
Jakarta chính thức trở thành 'cố đô' của Indonesia

Ngày 28/3, Hội đồng đại diện nhân dân Indonesia (DPR) đã chính thức thông qua dự thảo Luật Đặc khu Jakarta (Luật DKJ), đồng nghĩa rằng Jakarta không còn là Tỉnh đặc khu Thủ đô Jakarta (DKI) mà trở thành Tỉnh đặc khu Jakarta (DKJ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN