Mặc dù đeo khẩu trang thường xuyên sẽ gây khó chịu, nhưng nếu không đeo khẩu trang lại có nguy cơ hít phải các hạt có hại trong không khí. Bởi lẽ, một tuần trước, Jakarta đã trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
“Nếu tôi không đeo khẩu trang, thì tôi có thể bị nhiễm bệnh từ không khí. Bây giờ tôi không thể rời khỏi nhà mà không có khẩu trang, bởi vì ngay cả khi tình trạng ô nhiễm tồi tệ, chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm việc”, anh Kajen, một lái xe ngoài 20 tuổi, giống như nhiều người Indonesia khác, chia sẻ.
Các nhà chức trách ở thủ đô Indonesia đang nỗ lực để nhanh chóng giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, sau khi dữ liệu của công ty công nghệ chất lượng không khí IQAir (Thụy Sĩ) phản ánh Jakarta đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào ngày 9/8.
Jakarta liên tục lọt vào danh sách 10 thành phố ô nhiễm hàng đầu kể từ tháng 5, nhưng việc xếp số 1 đã khiến các nhà chức trách phải khẩn trương hành động trong vài ngày qua.
Tổng thống Joko Widodo đã triệu tập một cuộc họp với một số bộ trưởng và lãnh đạo khu vực vào ngày 14/8, lưu ý rằng không khí ở Jakarta rơi vào loại "có hại cho sức khỏe” khi chỉ số đo ô nhiễm được là 156.
Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) của thành phố Jakarta - thước đo tiêu chuẩn về các hạt có hại cho sức khỏe trong không khí - đã trên ngưỡng 140 trong hai tuần qua. Cụ thể, AQI từ 101 - 150 được coi là không tốt cho các nhóm dễ bị tổn thương, trong khi 150 - 200 bị coi là không tốt cho sức khỏe.
Tổng thống Widodo lưu ý rằng chất lượng không khí kém ở Jakarta hiện nay là do mùa khô kéo dài, làm trầm trọng thêm tác động của khí thải từ các phương tiện giao thông và khu công nghiệp.
Ngoài ra, các bộ trưởng của Indonesia đã xác nhận với kênh CNN rằng Tổng thống Widodo đã bị ho dai dẳng vài tuần nay và có khả năng là có liên quan đến chất lượng không khí kém.
Jakarta vốn là một trong những thành phố có điều kiện giao thông tồi tệ nhất trên thế giới, với số lượng phương tiện ngày càng tăng và thiếu cơ sở hạ tầng công cộng dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài hàng giờ.
Theo số liệu thống kê mới nhất hiện có, số lượng phương tiện trong thành phố này đã tăng từ 18,7 triệu chiếc vào năm 2018 lên hơn 21,7 triệu chiếc vào năm 2021.
Sau buổi họp ngày 14/8, quyền Thống đốc Jakarta, ông Heru Budi Hartono cho biết ông sẽ áp dụng lại chế độ làm việc tại nhà đối với khoảng 40 - 50% công chức của thành phố 10 triệu dân này.
Ông cũng cho biết Jakarta sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn xây dựng thân thiện với môi trường, đồng thời khuyến cáo chủ sở hữu những chiếc xe có công suất động cơ lớn hơn nên sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Những kế hoạch khác nhằm kiểm soát lượng khí thải của phương tiện giao thông cũng đang được tiến hành.
Chính phủ yêu cầu chủ sở hữu các phương tiện cơ giới đã qua sử dụng trên 3 năm phải kiểm tra khí thải hàng năm. Cảnh sát sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên và phạt những chủ phương tiện không đạt tiêu chuẩn hoặc chưa làm kiểm tra. Cơ quan chức năng cũng đang xem xét thu hồi giấy phép lái xe đối với những người tái phạm nhiều lần.
Ngoài ra, giới chức Jakarta cũng đang tìm hiểu các biện pháp mềm mỏng và lâu dài hơn. Quyền Thống đốc Jakarta thông báo rằng chính quyền của ông có kế hoạch xây dựng 23 công viên với tổng diện tích 6,7 héc-ta. Mặc dù không đưa ra mốc thời gian hoàn thành cụ thể song ông lưu ý rằng việc cải thiện chất lượng không khí ở Jakarta là một nỗ lực lâu dài.
Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết chính phủ sẽ đẩy nhanh việc sử dụng xe điện (EV), trong đó có xây dựng thêm các trạm sạc và tiêu chuẩn hóa các thông số kỹ thuật của pin EV.
Quốc gia Đông Nam Á này muốn nhiều người hơn chuyển sang sử dụng xe điện thông qua các gói hỗ trợ khi mua.
Nhưng những nỗ lực trên của các quan chức sẽ không thể dẫn đến kết quả cải thiện chất lượng không khí ngay tức thì ở Jakarta. Nhiều cư dân thành phố này chia sẻ tất cả những gì họ có thể làm lúc này là đeo khẩu trang và ít ra ngoài trời.
Đây cũng là lời khuyên từ Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển Con người Muhadjir Effendy. Ông đã kêu gọi mọi người đeo khẩu trang đề phòng nguy cơ gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do ô nhiễm không khí.