Thủ đô Italy cấm xe ngựa kéo chở khách du lịch trên đường phố

Thủ đô Rome của Italy sẽ cấm xe ngựa chở khách du lịch lưu thông trên các tuyến đường trong thành phố nhưng vẫn được phép chở khách trong công viên. Các nhà hoạt động vì quyền động vật đã chỉ trích việc chính quyền không loại bỏ hoàn toàn phương thức vận chuyển này.

Chú thích ảnh
Thủ đô Italy cấm xe ngựa kéo chở khách du lịch trên đường phố. Ảnh: Reuters

Theo trang The Guardian (Anh), thông tin trên do Thị trưởng thành phố Rome, bà Virginia Raggi, đưa ra. Xe ngựa kéo là loại hình kinh doanh sinh lợi của nhiều công ty du lịch.

“Bạn sẽ không còn nhìn thấy những con ngựa mệt mỏi trên đường phố trong những ngày nóng nhất của những tháng hè tới, vì chúng tôi đã cấm điều đó”, bà Raggi viết trên Facebook.

Nhiều năm nay, các nhà hoạt động vì quyền động vật đã nỗ lực vận động loại bỏ hoàn toàn hình thức vận chuyển lỗi thời này vì cho rằng loài động vật bị đối xử vô nhân đạo.

Dịch vụ xe ngựa kéo được gọi là “botticelle”, thường có giá khoảng 425 USD cho một lần chở 4 người đi tham quan các di tích nổi tiếng của thành phố Rome trong vòng 2 giờ.

“Vào năm 2016, bà Raggi đã cam kết loại bỏ hình thức vận chuyển bằng xe ngựa và không chỉ đơn giản là chuyển chúng đến công viên, vì vậy những con ngựa này vẫn tiếp tục được khai thác. Các nhà chức trách cũng chưa xác định lệnh cấm bắt đầu được thực hiện từ khi nào. Do vậy, đối với chúng tôi, thông báo này không có ý nghĩa gì”, ông Rinaldo Sidoli, phát ngôn viên của tổ chức hoạt động vì động vật và môi trường Alleanza Popolare Ecologista, nói.

Ông Sidoli cũng cho biết yếu tố tích cực duy nhất là ngựa sẽ không phải lưu thông giữa đường phố. Luật cấm xe ngựa chạy vòng quanh thành phố ở nhiệt độ trên 30 độ C đã được ban hành. 

Đã có vài trường hợp ngựa ngã gục hoặc chết trên đường phố trong nhiều năm. Vào tháng 10 năm ngoái, một con ngựa đã ngã trên phố Via dei Condotti do trượt chân trên nắp cống. Những người chứng kiến đã đề nghị người lái xe ngựa gọi bác sĩ thú y đến kiểm tra cho con ngựa nhưng bị phớt lờ. Thậm chí, con ngựa tiếp tục phải chở khách du lịch đến điểm tham quan tiếp theo sau khi đứng vững trở lại. 

Chú thích ảnh
Đã có nhiều trường hợp ngựa gục ngã trên đường phố vì kiệt sức. Ảnh: The Guardian

Hồi tháng 6/2008, một con ngựa đã chết sau vì bị ô tô đâm khi đang kéo một cỗ xe dọc theo con đường bên sông Tiber. Vài tháng sau, một con ngựa khác cũng đã chết khi đang làm việc gần Đấu trường La Mã. Vào mùa hè năm 2012, một con ngựa đã kiệt sức ở Bậc thang Tây Ban Nha, trong khi người lái xe vẫn cố đánh con vật để nó hoạt động trở lại.

Hiện có khoảng 80 con ngựa được nuôi trong các chuồng ngựa ở khu vực Testaccio vẫn đang phải làm việc. Hàng loạt các thị trưởng đã cam kết sẽ cấm xe ngựa, trong đó bà Raggi đã biến nó thành một lời hứa tranh cử trước cuộc bầu cử vào tháng 6/2016. 

Tuy nhiên, ý tưởng thay thế xe ngựa kéo bằng xe điện rất khó trở thành hiện thực. Trong những năm gần đây, số lượng người có giấy phép lái xe ngựa đã giảm xuống còn khoảng 23 người, do các tài xế tận dụng phương án chuyển đổi bằng lái sang giấy phép lái xe taxi. Người đứng đầu hiệp hội những người lái xe ngựa, ông Angelo Sed, cho biết động thái của Raggi là một đòn giáng mạnh vào những người lái xe ngựa đang phải vật lộn để sinh tồn trong đại dịch COVID-19.

“Việc kinh doanh trong công viên sẽ không bao giờ sánh được với loại hình kinh doanh bạn có thể làm ở trung tâm thành phố”, ông Angelo nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Đại dịch từng giết chết 2.000 người ở Rome mỗi ngày
Đại dịch từng giết chết 2.000 người ở Rome mỗi ngày

Ở giai đoạn đỉnh cao của đại dịch Antonine, có tới 3.000 người La Mã cổ đại chết mỗi ngày, trong đó 2.000 người tại Rome. Kết thúc dịch, tổng cộng 5 triệu người đã chết, nhưng đến nay người ta vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân gây ra thảm hoạ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN