Thông điệp nhân quyền vì hiện tại và tương lai

“Quyền con người là về con người. Quyền con người là về bạn và cuộc sống của bạn: những nhu cầu, mong muốn, nỗi sợ hãi của bạn; những hy vọng của bạn cho hiện tại và tương lai”, ông Volker Türk, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, đã nói trong thông điệp nhân Ngày Nhân quyền Thế giới 2024.

Thông điệp năm 2024

Chú thích ảnh
Ông Volker Türk. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền Thế giới (10/12/1948 – 10/12/2024), ông Türk nhấn mạnh sự thật cơ bản được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: quyền con người tác động đến tất cả mọi người, ở mọi nơi, mỗi ngày. Chính vì có tầm quan trọng trong cuộc sống, quyền con người cần mang lại sức mạnh để cá nhân, cộng đồng và các dân tộc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Với chủ đề “Quyền của chúng ta, tương lai của chúng ta, ngay bây giờ”, chiến dịch Nhân quyền Liên hợp quốc năm nay tập trung vào nhấn mạnh quyền con người như một con đường để giải quyết vấn đề, vì quyền con người đóng vai trò quan trọng như một lực lượng phòng ngừa, bảo vệ và chuyển hóa, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Türk nhấn mạnh rằng quyền con người là sợi dây chung gắn kết tất cả chúng ta, thúc đẩy hòa bình và ổn định. Khi thiết lập, công nhận và tuân thủ một tập hợp các giá trị và nguyên tắc chung áp dụng trên toàn cầu, quyền con người giúp ngăn chặn các vi phạm, xung đột, lạm dụng trước khi chúng xảy ra.

Quyền con người không chỉ là những ý tưởng trừu tượng mà còn là các quy chuẩn, luật pháp và khung pháp lý cụ thể, chống lại các hành vi lạm dụng, vi phạm, đảm bảo rằng mọi người, ở mọi nơi, có thể sống trong phẩm giá và sự tôn trọng.

Ông Türk nói: “Các thế hệ trước đã đấu tranh, thậm chí hy sinh vì quyền con người: quyền bầu cử, quyền biểu tình, quyền làm việc và quyền hưởng lương bình đẳng của phụ nữ, quyền được công nhận, lắng nghe và ghi nhận. Các thế hệ trước đã xuống đường, bước vào nghị viện và tòa án để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chế độ phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị, bất bình đẳng, chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc. Họ đã xây dựng hệ thống nhân quyền quốc tế, cải thiện thực sự cuộc sống của người dân trên toàn thế giới”.

Nhân Ngày Nhân quyền Thế giới năm nay, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc hy vọng khơi dậy tinh thần hành động, thay đổi nhận thức bằng cách xóa bỏ những định kiến tiêu cực, và thúc đẩy phong trào nhân quyền toàn cầu.

Ông Türk kêu gọi: “Lời hứa đầy đủ về quyền con người vẫn chưa được thực hiện. Tôi kêu gọi các bạn hãy tiếp tục nỗ lực. Hãy sử dụng tiếng nói và lá phiếu của mình. Hãy kết nối, xây dựng các phong trào xã hội mạnh mẽ để bảo vệ quyền của các bạn và của các thế hệ tương lai. Hãy kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động vì bình đẳng, công lý, hòa bình – và tất cả các quyền của các bạn”.

Quyền con người trong bối cảnh xung đột

Chú thích ảnh
Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn Al-Shati ở phía Tây thành phố Gaza ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lời kêu gọi của ông Türk được đưa ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng ở Dải Gaza và nhiều nơi xảy ra các cuộc xung đột. Thậm chí có ý kiến cho rằng không có gì vui mừng để kỷ niệm Ngày Nhân quyền Thế giới khi mà biết bao người Palestine ở Dải Gaza không được hưởng những điều cơ bản nhất của một con người.

Sau 76 năm ra đời, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1948, đã chính thức xác lập quyền con người như chúng ta biết đến ngày nay, cùng với các công ước nhằm bảo vệ quyền này theo quy định pháp lý.

Tuyên ngôn này ra đời sau những tội ác khủng khiếp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi nhân loại chứng kiến sự tàn bạo của chiến tranh và những vi phạm nghiêm trọng đối với nhân phẩm và quyền con người. Sau những sự kiện này, thế giới đã chung tay để khẳng định "không bao giờ nữa" - một cam kết mạnh mẽ để không bao giờ để những tội ác tương tự tái diễn.

Thế nhưng, thật bi thảm khi 76 năm sau khi các luật nhân quyền hiện đại được thông qua, ý tưởng “không bao giờ nữa” đã hoàn toàn bị phá vỡ. Cuộc chiến tàn khốc giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và chưa từng có.

Người dân Palestine phải sống trong cảnh cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza bị phá hủy gần hết, tiếp cận viện trợ nhân đạo khó khăn. Họ phải sống trong tiếng bom đạn không dứt ở Gaza – vùng đất đã trở thành nơi không thể sống được khi họ luôn cận kề cái chết.

Quy mô của bạo lực và tình trạng di dời hiện tại ở Gaza là chưa từng có trong bối cảnh Palestine.

Gần 45.000 người đã thiệt mạng trong 14 tháng, trên 100.000 người bị thương nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Cuộc chiến ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em, gây ra nỗi đau vô cùng sâu sắc và khó có thể tưởng tượng được. Nhiều trẻ em đang bị đói ăn, không cha không mẹ và không được học hành.

Mỗi lần chúng ta nghĩ rằng tình hình không thể tồi tệ hơn, thì mọi việc lại càng xấu đi. Hai tháng trước, vào ngày 6/10, quân đội Israel đã bắt đầu một cuộc phong tỏa nghiêm ngặt đối với phía Bắc Gaza và kể từ đó, trên 130.000 người đã phải rời bỏ nơi ở, chủ yếu là di cư đến Thành phố Gaza.

Cư dân ở đó đã tăng lên khoảng 50% trong những tuần gần đây, dẫn đến tình trạng đông đúc nghiêm trọng và nhu cầu cấp bách về nơi trú ẩn, lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Có tới 70% số người trong một số khu vực tị nạn là phụ nữ và trẻ em, nhiều người phải trú trong các tòa nhà bỏ hoang hoặc ngoài trời trong cái lạnh và mưa rét.

Hầu như không có viện trợ nào vào được phía Bắc Gaza, khiến hàng chục nghìn người không có thức ăn, nước uống, nhiên liệu, phương tiện giao thông và điện. Nạn đói và suy dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng.

Những gì đang xảy ra với người Palestine vào năm 2024 vượt xa các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas, quyền con người đã bị bị gạt sang một bên, đặt cả hệ thống luật pháp quốc tế vào nguy cơ. Có thể nói đây là một thời điểm khủng hoảng sâu sắc đối với thế giới.

Để trả lại những quyền con người cơ bản cho người dân ở Gaza, thế giới cần phải hành động để cho phép viện trợ vào Gaza ngay lập tức và bảo đảm an toàn trong chuyển viện trợ đến những người cần. Điều quan trọng nhất, phải có một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ngay lập tức.

Thế nhưng, các bên liên quan dường như vẫn có tính toán riêng, khiến thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột bùng nổ ở Gaza từ tháng 10 năm ngoái tới nay vẫn ngoài tầm với. Với người dân Palestine, quyền con người vẫn là một điều gì đó xa vời.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo ohchr/irishexaminer)
Việt Nam kêu gọi đảm bảo nhân quyền cho mọi người
Việt Nam kêu gọi đảm bảo nhân quyền cho mọi người

Trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) - đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung đối với Báo cáo cập nhật của Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN