Cô Aya Hanada, một nhân viên làm ở bộ phận tái chế của Uniqlo, cho biết 10 ngày mở cửa hàng tạm thời tại quận Harajuku district, cho thấy thái độ của người dân đang thay đổi. Tại gian hàng này, quần áo đã qua sử dụng được bán với mức giá chỉ bằng 1/3 giá gốc, và nhiều mặt hàng còn được nhuộm lại để mang màu sắc cổ điển (vintage) hơn.
Cô Aya Hanada nhận định tâm lý tránh mặc đồ đã qua sử dụng đã biến mất ở Nhật Bản, chủ yếu là trong giới trẻ. Theo cô, sự thay đổi này một phần là nhờ vào mạng Internet. Bên cạnh đó, sau nhiều năm giảm phát, đà tăng giá cả đang ảnh hưởng đến ví tiền của người dân Nhật Bản kể từ năm 2022. Điều này cũng khiến nhiều người bỏ qua ác cảm đối với đồ cũ. Nhưng yếu tố lớn nhất quyết định hành vi tiêu dùng của nhiều người đơn giản chỉ là món đồ đó có bắt mắt hay không.
Bên cạnh Uniqlo với nỗ lực biến đồ cũ thành các sản phẩm mới, công ty chuyên về hàng áo quần đã qua sử dụng 2nd Street đã mở được 800 cửa hàng trên khắp Nhật Bản.
Doanh số áo quần cũ được bán qua hình thức trực tuyến giữa các cá nhân với nhau, chủ yếu thông qua nền tảng Mercari, cũng gia tăng. Mercari là nơi diễn ra 1/3 lượng giao dịch các mặt hàng thời trang tại Nhật Bản tính theo giá trị.
Ông Michael Causton, người đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường JapanConsuming, cho biết quần áo cũ của Nhật Bản rất được ưa chuộng ngay cả ở Trung Quốc và các nơi khác, vì người Nhật nổi tiếng với thói quen giữ gìn đồ đạc cẩn thận và hàng Nhật thường có chất lượng tốt.
Thời trang nhanh được cho là tác nhân thải ra một lượng khí thải lớn và các chất gây ô nhiễm khác như vi nhựa. Theo tổ chức từ thiện Ellen MacArthur Foundation, trên toàn cầu, mỗi giây có một lượng quần áo bằng sức chứa của một chiếc xe tải bị đốt hoặc chôn ở bãi rác.
Nhưng ở Nhật Bản, thị trường thời trang lớn thứ ba thế giới, sự nhận thức ngày càng cao về tác động môi trường to lớn của lĩnh vực này vẫn chưa kích thích được nhiều sự quan tâm đối với các mặt hàng áo quần cũ.
Và vì thế, hàng thời trang đã qua sử dụng vẫn còn một chặng đường dài để chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản. Tại “đất nước Mặt Trời mọc”, 34% lượng quần áo bỏ đi được tái chế hoặc tái sử dụng, theo Bộ Môi trường nước này. Nhưng con số trên đã bao gồm cả lượng hàng được xuất khẩu sang các nước đang phát triển, nơi lượng hàng thải này thường được xử lý bằng cách chôn hoặc đốt bỏ.
JapanConsuming ước tính phân khúc áo quần đã qua sử dụng chiếm chưa đến 6% thị trường thời trang trị giá 75 tỷ USD của nước này, dù ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ông Michael Causton, người đồng sáng lập JapanConsuming, cho hay trong một thời gian dài ở Nhật Bản, quần áo second-hand chỉ là một thị trường ngách dành các hipster (những người tính thẩm mỹ trong một lĩnh vực nào đó mà vượt ngoài xu hướng thông thường của xã hội).
Ông Causton cho biết tại Nhật Bản, người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Nét văn hóa này rõ ràng là một rào cản đối với mặt hàng thời trang đã qua sử dụng khi tiếp cận người tiêu dùng Nhật Bản.