Thỏa thuận ngũ cốc chấm dứt, vì sao các nhà sản xuất nông sản EU e ngại giúp đỡ Ukraine?

Việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, ngay cả khi chính quyền Kiev tiếp tục vận chuyển ngũ cốc của mình thông qua các tuyến đường thay thế, sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nông nghiệp ở châu Âu.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa mì tại Kharkiv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Kiev đang vận động hành lang để tiếp tục được xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sau khi Nga tuyên bố đình chỉ Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen đã hết hạn với lý do phương Tây không thực hiện những cam kết trong thỏa thuận liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp của Moskva.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã cản trở khả năng cung cấp ngũ cốc và phân bón của Moskva cho thị trường thế giới trong bối cảnh khủng hoảng lương thực. Trước khi chấm dứt thỏa thuận, Nga đã nhiều lần khẳng định họ sẵn sàng nối lại thỏa thuận ngũ cốc một khi phương Tây đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng 7/2022.

Bất chấp lời kêu gọi từ phía Ukraine, một số các chủ hàng và công ty bảo hiểm quốc tế tỏ thái độ hoài nghi với kế hoạch này. Việc hủy bỏ thỏa thuận đồng nghĩa với việc Moskva sẽ không còn đảm bảo việc đi lại an toàn qua Biển Đen. Do đó, một số công ty môi giới bảo hiểm đã tạm dừng các chương trình xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Về phần mình, Washington cũng loại trừ khả năng hộ tống tàu vận chuyển của Ukraine.

"Kể từ khi thỏa thuận kết thúc, chưa có bất kỳ động thái mới nào được triển khai. Các chủ hàng vẫn chưa sẵn sàng chở ngũ cốc Ukraine. Ukraine có thể hối thúc bao lâu tùy ý nhưng những chủ hàng này đều tính đến thực tế. Các doanh nghiệp tư nhân đều có lợi ích riêng và họ yêu cầu các khoản bồi thường cho những hành động có thể gây hại cho họ", Alexander Dudchak, nhà khoa học chính trị và nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện các nước SNG, trả lời phỏng vấn đài Sputnik.

Theo ông Dudchak, các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine cũng như các bên trung gian có thể sẽ mất một phần lợi nhuận nhưng không ai cấm họ xuất khẩu thực phẩm Ukraine bằng đường bộ thông qua Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, nhà khoa học lưu ý các quốc gia Đông và Trung Âu đang phản đối lựa chọn này vì trước đây một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine đã bị mắc kẹt trong lãnh thổ của họ thay vì được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu ở Nam bán cầu. Kết quả là các nhà sản xuất nông nghiệp ở Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria bị mất lợi nhuận do tình trạng dư thừa ngũ cốc giá rẻ của Ukraine trên thị trường châu Âu.

Vào tháng 4, nhóm các nước Đông và Trung Âu đã đưa ra lệnh cấm đối với lương thực của Ukraine, khiến Ủy ban châu Âu (EC) phải hành động và tạm thời cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine ở Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia cho đến ngày 5/6. Lệnh cấm sau đó đã được gia hạn đến ngày 15/9. Hiện tại, 5 quốc gia đang thúc giục EC gia hạn lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine sau ngày 15/9.

Bên cạnh đó, khả năng chuyên chở của các tuyến đường bộ thấp hơn đáng kể so với các tuyến đường biển. Arkady Zlochevsky, Chủ tịch Liên minh Ngũ cốc Nga, giải thích: "Tuyến đường bộ đạt công suất 52.500 tấn mỗi ngày và cả năm là 18 triệu tấn. Để so sánh, số lượng ngũ cốc vận chuyển qua đường thủy trong 1 năm là 33 triệu tấn”.

Theo ông Zlochevsky, việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, ngay cả khi chính quyền Kiev tiếp tục vận chuyển ngũ cốc của mình thông qua các tuyến đường thay thế, sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nông nghiệp ở châu Âu. "Thỏa thuận này vốn dĩ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người tham gia vào quá trình. Hậu quả tai hại là do Ukraine bán phá giá giá ngũ cốc. Chúng tôi phải áp dụng chiết khấu vì chúng tôi không thể bán hàng hóa của mình đắt hơn hàng Ukraine. Cuối cùng, chúng tôi buộc đánh đổi bằng một khoản chiết khấu lớn, khoảng 10-20 USD”.

Ông Zlochevsky giải thích Ukraine có thể giảm giá ngũ cốc vì Nga đã tạo ra và duy trì một hành lang an toàn ở Biển Đen như một phần của thỏa thuận. Do đó, chi phí bảo hiểm cho các lô hàng của Ukraine trở nên rất rẻ. Từ đó, Ukraine bắt đầu bán một lượng lớn lương thực của mình với giá cực rẻ, làm mất cân bằng thị trường ngũ cốc, góp phần khiến các nhà sản xuất Đông và Trung Âu phải chịu thiệt hại nặng nề từ việc bán phá giá của Ukraine.

Chuyên gia Dudchak chỉ ra rằng Nga sẵn sàng tham gia lấp đầy khoảng trống khi ngũ cốc Ukraine không được xuất khẩu. Bất chấp việc phương Tây làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa nông nghiệp của Nga, cho đến nay, Moskva vẫn xoay sở để gửi một lượng ngũ cốc đáng kể đến các nước đang phát triển ở Trung Đông, châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/7 cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp ngũ cốc của mình cho thị trường thế giới, thay thế ngũ cốc của Ukraine.

"Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng đất nước chúng tôi có thể thay thế ngũ cốc Ukraine cả trên cơ sở thương mại và tự do. Hơn nữa, năm nay, như Bộ trưởng đã báo cáo, chúng tôi lại mong đợi một vụ thu hoạch kỷ lục", nhà lãnh đạo nói trong cuộc họp với chính phủ.

Trong khi Ukraine đã sản xuất khoảng 55 triệu tấn ngũ cốc trong năm nông nghiệp vừa qua với lượng xuất khẩu lên tới 47 triệu tấn, Nga thu hoạch 156 triệu tấn ngũ cốc vào năm ngoái và xuất khẩu 60 triệu tấn.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Nga nêu điều kiện quay trở lại thoả thuận ngũ cốc
Nga nêu điều kiện quay trở lại thoả thuận ngũ cốc

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong cuộc họp với các thành viên Chính phủ ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay nước này sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại thoả thuận ngũ cốc nếu tất cả các điều khoản của thoả thuận được thực hiện và “bản chất nhân đạo” của thoả thuận được khôi phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN