Một người phát ngôn của IMF cho biết thể chế tài chính toàn cầu này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình khu vực và những tác động của diễn biến địa chính trị đối với tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Người phát ngôn này khẳng định việc ngừng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen kiến ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho các quốc gia có thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hồi năm ngoái đã chứng kiến các cảng trên Biển Đen của Ukraine bị các tàu chiến phong tỏa cho đến khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được ký kết vào tháng 7/2022, cho phép các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng đi qua. Ngày 17/7, Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận này sau 3 lần đồng ý gia hạn thỏa thuận này.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết nếu Bản ghi nhớ (MoU) giữa Nga và LHQ về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được thực hiện đầy đủ trong vòng 3 tháng tới, Moskva sẽ không đàm phán về thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen.
Bà Zakharova nêu rõ Nga chỉ đồng ý trở lại đối thoại về khôi phục sáng kiến ngũ cốc sau khi có các kết quả cụ thể trong việc thực hiện phần thỏa thuận liên quan đến Nga, chứ không phải những "cam đoan" hay "hứa hẹn" của LHQ và phương Tây.