Thỏa thuận hạt nhân chưa phát huy tác dụng vực dậy nền kinh tế Iran

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và sáu cường quốc thế giới đạt được trong tháng 7/2015 đã cho phép Iran phá thế cô lập, tăng cường thu hút đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và giảm thất nghiệp, tuy nhiên cho tới nay các mục tiêu kinh tế vẫn còn khá xa vời.

Tổng thống Iran Hassan Rohani từng đưa ra dự đoán quốc gia Hồi giáo sẽ thu hút 50 tỷ USD đầu tư nước ngoài mỗi năm, nhờ vào thỏa thuận hạt nhân nêu trên, nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng 8% và cho phép giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện chiếm 12,5% lực lượng lao động. Song 16 tháng kể từ ngày thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực và theo sau đó là việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Tehran, các mục tiêu này vẫn khá mờ mịt.

Iran và Nhóm P5+1 họp đánh giá về thỏa thuận hạt nhân ở Vienna (Áo) ngày 25/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Cựu Phó Tổng thống thứ nhất của Iran đồng thời là ứng viên tranh cử chức tổng thống vào ngày 19/5 tới Hagh Jahanguiri nói rằng hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp đã được đăng ký với Bộ Kinh tế kể từ tháng 1/2016, nhưng trên thực tế các khoản đầu tư được giải ngân chỉ từ 1 đến 2 tỷ USD. Ông Jahanguiri cũng thừa nhận rằng các ngân hàng lớn của châu Âu và châu Á vẫn từ chối hợp tác với Iran vì nguy cơ của việc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt liên quan tới vấn đề hạt nhân và bầu không khí "căng thẳng" giữa Iran với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo cựu Đại sứ Pháp tại Iran (2001-2005), đồng thời là chuyên gia về Iran François Nicoullaud, khoảng thời gian từ 6 tháng tới một năm sẽ không thể giúp ngay lập tức tạo được sự thay đổi tích cực trong nền kinh tế, thay vào đó phải mất ít nhất là hai hoặc ba năm nữa mới có thể thấy được tác động. Mặc dù Tổng thống Iran theo đường lối ôn hòa Rohani, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai, khẳng định nhờ vào thỏa thuận hạt nhân, Iran đã thành công trong việc đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu dầu lên gần 2,8 triệu thùng/ngày và theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng trong năm ngoái của Iran đạt 6,6%, song những thay đổi này không có tác động đến đời sống hàng ngày của người dân Iran.

Dưới sự chèo lái của ông Rohani, lạm phát của Iran đã giảm mạnh từ 40% cách đây 4 năm xuống còn khoảng 8% như hiện nay. Song lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại. Theo nhận định của các chuyên gia, lạm phát có thể vượt ngưỡng 10% trong thời gian ngắn. IMF dự báo tăng trưởng của Iran trong năm tài chính 2017-2018 đã giảm xuống mức 3,3%, tỷ lệ này không đủ để giảm thất nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế. Nhà kinh tế Mohammad Hachem Pessaran cho rằng "cần mức tăng trưởng 5-6% để giảm tỷ lệ thất nghiệp" đang ở mức cao hiện nay, chiếm tới 27% trong giới trẻ.

Các đối thủ của ông Rohani đang ra sức khai thác hai yếu điểm, gồm đời sống người dân và tỉ lệ thất nghiệp để tìm cách tạo lợi thế cho mình. Họ đưa ra lời hứa sẽ tăng trợ cấp lên gấp ba lần cho những người có hoàn cảnh khó khăn và tạo ra ít nhất một triệu việc làm mỗi năm. Theo giới quan sát, một nhân tố nữa khiến cho việc phục hồi kinh tế của Iran gặp trở ngại chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng đe dọa hủy thỏa thuận hạt nhân và áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran, gây khó khăn cho Tehran trong việc thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài và các ngân hàng quốc tế lớn.

TTXVN/Tin Tức
Iran và Nhóm P5+1 họp đánh giá về thỏa thuận hạt nhân
Iran và Nhóm P5+1 họp đánh giá về thỏa thuận hạt nhân

Ngày 25/4, Iran và Nhóm P5+1 đã có cuộc họp kín ở Vienna (Áo) nhằm đánh giá việc Iran thực hiện thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc này hồi năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN