Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc: Ai là người chiến thắng?

Thỏa thuận toàn diện đầu tư EU-Trung Quốc được cho sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận nhiều hơn với thị trường tỷ dân của quốc gia Đông Á nhưng nhiều chuyện gia lại đánh giá chính Bắc Kinh mới là “người chiến thắng”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng cựu chủ tịch EC Jose Manuel Barroso (trái) và cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tại Brussels (Bỉ) năm 2014. Ảnh: Reuters

Tháng 11/2013, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khi đó Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã đến Bắc Kinh với hy vọng đạt được một thỏa thuận đầu tư trong vòng 30 tháng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết đứng cạnh Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Herman Van Rompuy tuyên bố: “Vấn đề thương mại và đầu tư vẫn được đề cao trong chương trình nghị sự của hai bên. Chúng tôi đã có những bước đi trọng yếu bằng việc khởi động đàm phán về thỏa thuận đầu tư. Một sân chơi công bằng, minh bạch và tự tin về các quy định pháp luật là cần thiết đối với cả hai phía để kinh doanh phát triển”.

Tuy nhiên, mục tiêu của năm 2013 khá giản dị, chỉ bao gồm giảm rào cản đầu tư và bất định về pháp lý mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt ở Trung Quốc, đồng thời đến năm 2020 đẩy thương mại hai chiều lên 1.000 tỷ USD.

Cả ông Barroso và Van Rompuy đều rời cương vị 1 năm sau đó và họ không thể ngờ rằng phải mất thêm 7 năm cùng 35 vòng đàm phán để EU và Trung Quốc có thể tiến tới một thỏa thuận. 2013 là một thời kỳ khác biệt so với những năm gần đây, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, tiếp đó là tình hình kinh tế toàn cầu loạng choạng do dịch COVID-19.

Đến tháng 1 năm nay, cả châu Âu cùng Mỹ đều vẫn phải chiến đấu với dịch COVID-19. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kinh tế toàn cầu suy giảm 5,2% trong 2020, tình trạng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trước tình hình kinh tế thế giới mang màu sắc u ám, lãnh đạo EU và Trung Quốc có thể vui mừng nếu đạt được Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI). Nhiều nhà phân tích cho rằng diễn biến này có thể là chiến thắng mang tính biểu tượng cho Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo EU trong cuộc họp trực tuyến ngày 30/12/2020. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong báo cáo cuối năm có nêu: “Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo châu Âu cùng tuyên bố hoàn thành đàm phán CAI. Đây không chỉ là động lực lớn trong hợp tác EU-Trung Quốc mà còn là tin vui với nền kinh tế thế giới”.

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc là người giành phần thắng nhiều hơn nhờ CAI. Ông Sourabh Gupta tại Viện nghiên cứu Mỹ-Trung Quốc ở Washington nhận định: “Với Trung Quốc, đây là thỏa thuận kinh tế đáng kể nhất về mặt địa chính trị, địa kinh tế kể từ sự kiện phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001”.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải-ông Wu Xinbo cho biết việc đảm bảo thỏa thuận với EU đặt Trung Quốc rơi vào vị trí không thể bị tấn công. “Thỏa thuận tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và EU với kỳ vọng bước tiếp theo là đàm phán thỏa thuận thương mại tự do. Điều này còn tác động đến kế hoạch của Mỹ bắt tay với châu Âu để cô lập Trung Quốc khỏi tương lai của toàn cầu hóa”, ông Wu Xinbo cho hay.

Nhiều nhà quan sát đánh giá việc EU nhanh chóng đạt thỏa thuận với Trung Quốc chỉ vài tuần trước lễ tuyên thệ của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden là nóng vội. Ngoài ra, hiệp định CAI còn có thể gây ảnh hưởng đến ưu tiên của ông Biden trong việc lập liên minh xuyên Đại Tây Dương đối trọng với Trung Quốc.

Ông Gal Luft tại Viện phân tích An ninh toàn cầu trụ sở ở Mỹ phân tích: “Điều này cho thấy EU, bất chấp việc không bằng lòng về một số hành vi và chính sách của Trung Quốc, vẫn muốn vai trò độc lập và chưa sẵn sàng bị lôi vào rắc rối giữa Mỹ-Trung Quốc”.

Trong nhiều năm, châu Âu tìm cách tiếp cận mạnh mẽ hơn vào thị trưởng được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc. Đàm phán về hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc được khởi động từ năm 2014 với tiến trình khá chậm rãi. Nhưng đến nửa cuối 2020 khi Đức nhận chiếc ghế chủ tịch EU trong 6 tháng, Berlin đã đẩy mạnh việc hoàn thiện thỏa thuận.

Bà Justyna Szczudlik tại Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan đánh giá đàm phán giữa EU và Trung Quốc về Thỏa thuận toàn diện đầu tư chủ yếu bắt nguồn từ động lực của các nền kinh tế lớn của châu Âu, đặc biệt là Pháp là Đức. Bà Justyna Szczudlik cho biết các quốc gia châu Âu nhỏ hơn không có lợi ích quá lớn đối với thị trường Trung Quốc.

Hà Linh/Báo Tin tức
Trung Quốc tiếp tục các chính sách vĩ mô nhất quán, ổn định và bền vững
Trung Quốc tiếp tục các chính sách vĩ mô nhất quán, ổn định và bền vững

Trung Quốc tự tin sẽ duy trì đà hồi phục kinh tế và đạt được sự phát triển ổn định trong năm nay, tiếp tục thực hiện các chính sách vĩ mô nhất quán, ổn định và bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN