Ngày 17/9, Tổng thống Erdogan cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí về một quyết định quan trọng liên quan đến tình hình tại tỉnh Idlib của Syria. Hai bên nhất trí thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy xung quanh tỉnh Idlib.
Tỉnh Idlib phía tây bắc của Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, là thành trì then chốt cuối cùng của phe nổi dậy chống chính phủ. Đối với Tổng thống Syria Bashar Assad, việc giải phóng Idlib sẽ có nghĩa là kết thúc cuộc nội chiến kéo dài bảy năm tàn phá.
Cuộc khủng hoảng xung quanh Idlib đang đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào một tình thế khá phiền toái. Trong bối cảnh quan hệ gần đây của Ankara với đồng minh NATO, Mỹ, đang bị hủy hoại bởi một loạt căng thẳng ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ càng không muốn đánh mất vị thế tại Idlib.
Một trong những mối lo ngại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến Idlib là nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo. Trong một cảnh báo rõ ràng, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ tình hình Idlib sẽ xấu đi và tạo ra làn sóng khủng hoảng mới, nếu các bên không đạt được và tuân theo các thỏa thuận. “Nếu tình hình Idlib tiếp tục như vậy, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chúng ta phải tìm một giải pháp với Nga và lực lượng liên quân do Mỹ lãnh đạo mà không để khủng hoảng xảy ra."
Tổng thống Erdogan kêu gọi ngừng bắn ở tỉnh Idlib, cảnh báo về số dân thường tử vong cao và dòng người tị nạn lớn tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp có một cuộc tấn công quy mô lớn từ chính phủ Syria. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn Syria. Tổng thống Erdogan cảnh báo quốc gia không thể tiếp nhận thêm bất kỳ làn sóng tị nạn nào nữa.
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng điều khiến ông Erdogan lo ngại không phải là người tị nạn, mà là lợi ích và chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Một khi Quân đội Syria tự do (FSA) dưới sự bảo trợ của nước này bị quân đội chính phủ Syria đánh bại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mất đi điểm tựa để can thiệp vào tiến trình chính trị Syria.
“Thổ Nhĩ Kỳ cần chỗ đứng tại Syria và gây sức ép cho Tổng thống Assad để đạt được một thỏa thuận hòa bình trong đó chấp nhận người tị nạn quay trở lại quê hương”, nhà phân tích chính trị Atilla Yesilada làm việc cho công ty phân tích thông tin Global Source Partners có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, ‘can thiệp vào Idlib, Afrin và khu vực al-Bab là một yếu tố then chốt trong trò chơi này”.
Bên cạnh đó, Ankara cũng lo ngại nếu như Idlib rơi vào tay lực lượng chính quyền Syria, mục tiêu tiếp theo của Damascus sẽ là sự hiện diện quân sự đang lớn dần của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
“Nếu ông Assad muốn đảm bảo quyền lực cũng như sức mạnh của mình xung quanh Syria, không muốn Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một số khu vực, điều này có nghĩa là chúng ta đang trên đường đối đầu với Damascus. Mục đích triển khai hoạt động quân sự vào Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ công khai thông báo là ngăn chặn nhóm nổi dậy người Kurd PKK, song mục tiêu ẩn sâu trong đó là ngăn quân đội của ông Assad không tiến sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ”, cựu nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen giải thích.
“Mục đích sau cùng của Thổ Nhĩ Kỳ, là muốn tạo một tình thế tại Syria, ở đó các khu vực sát biên giới hai nước vẫn tiếp tục được lực lượng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, từ đó sẽ không còn mối đe dọa an ninh nào tới Thổ Nhĩ Kỳ”, Sinan Ulgen – người đứng đầu viện nghiên cứu Edam trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ giải thích.