Theo ông Cavusoglu, các chuyên gia Mỹ đã bắt đầu tới Thổ Nhĩ Kỳ để thành lập một trung tâm điều phối và quản lý "vùng an toàn" ở miền Bắc Syria theo thỏa thuận giữa 2 nước và đây là sự khởi đầu tốt. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ tiếp tục thảo thuận các bước đi tiếp theo, song Ankara sẽ không cho phép “vùng an toàn” này trở thành một Manbij thứ 2.
Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã nhất trí về kế hoạch rút tất cả các phiến quân người Kurd khỏi Manbij, đồng thời cho phép người dân địa phương thành lập một hội đồng thành phố mới. Tuy nhiên, theo Ankara, tiến trình này không hề có tiến triển nào kể từ đó và Washington đã không tuân thủ lộ trình và cam kết của mình.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận Ankara và Washington vẫn còn một số bất đồng liên quan tới “vùng an toàn” tại Syria và hiện đang đàm phán để giải quyết vấn đề. Ngoại trưởng Cavusoglu cảnh báo nếu 2 nước không thể đạt được thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có kế hoạch riêng của mình trong vấn đề này.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ngày 20/8 đã yêu cầu những người di cư Syria không có giấy tờ đăng ký cư trú tại Istanbul phải rời khỏi thành phố trước ngày 30/10 tới, hoặc sẽ bị trục xuất.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh - truyền hình Haberturk, Bộ trưởng Soylu cho biết thời hạn trên đã được kéo dài và những người Syria rời Istanbul sẽ được phép đăng ký cư trú ở các tỉnh khác, ngoại trừ tỉnh Antalya (miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ) - nơi cũng đang có quá nhiều người Syria tới tá túc. Sinh viên và gia đình của họ, cũng như những người có việc làm được đăng ký chính thức ở Istanbul, sẽ được phép ở lại thành phố này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hơn 3,6 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm tại nước này. Theo Bộ trưởng Soylu, hiện mới chỉ có khoảng 347.000 người Syria đã hồi hương.
Istanbul - thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, với dân số khoảng 15 triệu người - trong thời gian gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về dân cư, trong đó có hơn 500.000 người Syria sinh sống.