Trước đó, Berlin cảnh báo công dân về những nguy cơ đi kèm khi đi lại và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Sigmar Gabriel ngày 20/7 tuyên bố không đảm bảo an toàn cho các công dân Đức trước nguy cơ bắt giữ hàng loạt "một cách vô cớ", đồng thời nhấn mạnh Berlin sẽ xem xét lại các đảm bảo của nhà nước đối với đầu tư nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các doanh nhân không đổ tiền vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại thành phố Istanbul, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh cảnh báo du lịch của Bộ Ngoại giao Đức là "vô căn cứ" và mang tính "hiềm khích". Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Chính phủ Đức nên có lời giải thích về những phần tử khủng bố mà ông cho là Berlin đang chứa chấp. Ông khẳng định Đức không thể khiến Ankara sợ hãi trước các lời đe dọa, đồng thời cho rằng các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đều "độc lập hơn" ở Đức.
Cùng ngày, một nguồn tin an ninh Đức cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho nhà chức trách Đức danh sách gồm hơn 680 công ty Đức bị Ankara nghi ngờ tài trợ cho khủng bố, gấp 10 lần con số ban đầu được truyền thông Đức đưa ra. Báo Thời đại (Die Zeit) của Đức ngày 19/7 đưa tin nhiều công ty lớn của Đức nằm trong danh sách này, trong đó có Daimler và BASF AG. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek đã bác bỏ tin này trên trang mạng xã hội Twitter ngày 20/7.
Trong một động thái nhằm làm dịu căng thẳng, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek ngày 21/7 khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường pháp trị, cũng như các chuẩn mực dân chủ và hội tụ các tiêu chuẩn của châu Âu. Ông cũng đảm bảo với cộng đồng doanh nghiệp Đức rằng các công ty của nước này sẽ không phải chịu bất cứ một cuộc điều tra tài trợ khủng bố nào của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 19/7 vừa qua, Đức cảnh báo dừng khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu, sau khi triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin tới để phản đối việc Ankara bắt giữ 6 nhà hoạt động về quyền con người, trong đó có 1 công dân Đức, do tình nghi những người này thuộc một tổ chức khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng vụ bắt giữ là "khó hiểu" và "không thể chấp nhận được". Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những hành động phản đối của giới chức Đức đang can thiệp trực tiếp vào hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, và vượt quá giới hạn cho phép.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yilidrim ngày 21/7 nêu rõ Ankara mong muốn Berlin có những biện pháp chống lại các tay súng của đảng Công nhân người Kurd (PKK) và mạng lưới của Giáo sĩ Hồi giáo sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.