Thiếu phụ tùng giá rẻ từ Ukraine, một số nhà máy ô tô ngừng hoạt động tại châu Âu

Các nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu gồm BMW và Volkswagen đã ngừng sản xuất tại một số nhà máy do nguồn cung phụ tùng giá rẻ quan trọng từ Ukraine đang cạn kiệt.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Autoevolution

Theo tờ Financial Times, ước tính của AutoAnalysis cho thấy Ukraine sản xuất khoảng 1/5 lượng dây điện được dùng trong ô tô cho châu Âu. Có khoảng 40 nhà máy sản xuất phụ tùng ở Ukraine, nhưng các nhà sản xuất ô tô đang phải di dời địa điểm sản xuất hoặc tìm thiết bị mới để sản xuất các bộ phận này.

Một chiếc ô tô trung bình cần tới 5km dây điện. Không thể chế tạo xe nếu không có dây này vì mỗi mẫu xe có một loại dây riêng.

Ông Alexandre Marian, Giám đốc điều hành công ty tư vấn AlixPartners ở Paris, nói: “Vấn đề với dây điện ô tô nằm ở chỗ đây là thứ rất cơ bản cần phải có. Không thể bắt đầu lắp ráp ngay cả một chiếc ô tô chưa hoàn thiện nếu không có dây điện”.

Giám đốc điều hành VW, ông Herbert Diess cho biết: “Trong trường hợp của chúng tôi, vì chúng tôi nằm ở phân khúc cao cấp hoặc gần cao cấp, nên hầu hết các loại dây điện mà chúng tôi lắp trên ô tô đều chỉ dành riêng cho ô tô. Vì vậy, đó là mối quan hệ 1-1”.

Tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế là thách thức đối với ngành ô tô, vốn đang vất vả vì giá kim loại và năng lượng tăng chóng mặt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch, cũng như tình trạng thiếu chip bán dẫn.

Trước đó, BMW cho biết họ đang đàm phán tích cực để tìm nhà cung cấp phụ tùng mới. Thương hiệu cao cấp của VW là Audi cho biết họ đang tìm cách chuyển địa điểm sản xuất dây điện ở Ukraine sang các nhà máy khác hoặc tìm nhà cung cấp thay thế. Công ty cho biết các địa điểm bao gồm Đông Âu, Bắc Phi, Mexico và có thể là Trung Quốc.

Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine cũng làm khủng hoảng nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu càng trầm trọng. Hai doanh nghiệp cung cấp khí neon hàng đầu Ukraine là Ingas và Cryoin, chiếm khoảng 50% nguồn cung nguyên liệu chính để sản xuất chip trên thế giới, đã phải tạm dừng hoạt động. Điều này có thể đẩy giá thành tăng cao hơn cũng như làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nguồn cung chất bán dẫn – bắt đầu xảy ra vào năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19.

Dựa trên số liệu của Ingas và Cryoin, ước tính sản lượng của hai doanh nghiệp trên chiếm khoảng 45-54% khí neon dùng để sản xuất bán dẫn trên thế giới – vốn đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hệ thống laser sản xuất chip. Trong khi đó, công ty Techcet ước tính mức tiêu thụ neon toàn cầu để sản xuất chip đạt khoảng 540 tấn trong năm 2021.

Ông Angelo Zino, một nhà phân tích thuộc CFRA, nhận định việc sản xuất chip có thể bị ảnh hưởng hơn nữa nếu tình hình căng thẳng Nga-Ukraine chưa kết thúc. Nếu các kho dự trữ cạn kiệt vào tháng 4/2022 và các nhà sản xuất chip không đặt hàng được ở các khu vực khác, nguồn cung chip sẽ thiếu hụt hơn và khó có thể tạo ra sản phẩm cung cấp cho các khách hàng quan trọng.

Trước khi tạm dừng hoạt động, công ty Ingas sản xuất 15.000-20.000m3 khí neon/tháng, cung cấp cho các khách hàng ở vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Đức, trong đó khoảng 75% được dùng trong ngành sản xuất chip. Trong khi đó, Cryoin sản xuất từ 10.000-15.000m3 neon/tháng. Theo Giám đốc phát triển kinh doanh của Cryoin, Larissa Bondarenko, doanh nghiệp này không thể đáp ứng đơn đặt hàng 13.000 khím3 neon trong tháng 3/2022 nếu căng thẳng Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ thông báo viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine
Mỹ thông báo viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine

Ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ an ninh và triển khai các vũ khí tầm xa hơn cho nước này, và coi đây là sự hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ” đối với Ukraine trong cuộc xung đột giữa nước này với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN