Bắt đầu công việc lênh đênh trên biển từ 16 tuổi, nhiệm vụ hàng ngày của Aldi là chiếu đèn trên một chiếc nhà nổi làm bằng gỗ để thu hút cá, phục vụ cho việc đánh bắt. Hàng tuần, một nhân viên khác của công ty thuê Aldi sẽ đến thu hoạch cá từ bẫy và cung cấp cho cậu bé nguồn thực phẩm, nước và nhiên liệu mới.
Túp lều nổi bằng gỗ của Aldi là 1 trong 50 lều gỗ thuộc sở hữu của công ty trải dài trên vùng biển Manado được neo xuống đáy biển bằng một sợi dây thừng dài. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7, xuất hiện các đợt gió mạnh khiến lều của Aldi gãy neo và chiếc lều trôi dạt vô định giữa đại dương.
Nguồn thực phẩm, nước uống và nhiên liệu trong lều lúc đó chỉ còn cho Aldi sử dụng trong một vài ngày. Để sống sót, Aldi phải tự đánh bắt cá, dung gỗ của chính túp lều để nướng cá và nhấm nháp nước biển lọc qua quần áo để giảm thiểu lượng muối đưa vào cơ thể.
Lãnh sự quán Indonesia ở Osaka, Nhật Bản, cho biết trước khi được một tàu Panama cứu sống đã có khoảng 10 chiếc tàu đi qua túp lều của thanh thiếu niên. Sau hơn 1 tháng rưỡi, vào ngày 31/8, chiếc tàu MV Arpeggio cuối cùng đã cứu được chàng trai trẻ ngoài khơi đảo Guam và đưa về nhà. Sau khi đưa Aldi lên thuyền, thuyền trưởng tàu MV Arpeggio liên lạc với lực lượng tuần duyên khu vực Guam, và khi con tàu đi đến Nhật Bản, thủy thủ đoàn quyết định giao Aldi cho lãnh sự quán Indonesia.
"Mỗi lần cậu ấy nhìn thấy một con tàu lớn, cậu hy vọng, nhưng hơn 10 tàu đã đi qua, không ai trong số họ dừng lại hoặc nhìn thấy Aldi", báo The Jakarta Post trích lời Fajar Firdaus, một nhà ngoại giao Indonesia từ lãnh sự quán Osaka.
Trả lời phỏng vấn cổng thông tin địa phương TribunManado, Aldi chia sẻ cậu nghĩ rằng mình sẽ chết ở đó. Thậm chí có thời điểm cậu muốn tự tử và ném mình xuống đại dương, song nhớ đến lời khuyên của cha mẹ, cậu đã có nghị lực sống.
Aldi đã bay về nhà vào ngày 8/9 vừa qua, cùng với các nhân viên lãnh sự quán. Sức khỏe của cậu bé được cho là ổn định.