Báo cáo thường niên "Đánh giá thiệt hại của năm 2020: Một năm của sự đổ vỡ khí hậu" của Christian Aid điểm lại hậu quả của các thảm họa tự nhiên trong năm qua, từ những trận cháy rừng mất kiểm soát ở Australia hồi tháng 1 cho đến các cơn bão ở Đại Tây Dương từ đầu năm đến hết tháng 11. Theo báo cáo, mức thiệt hại do thiên tai trong năm nay trên thực tế còn cao hơn các con số thống kê nói trên do phần lớn thiệt hại không được bảo hiểm.
Không có gì là bất ngờ khi những quốc gia nghèo chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ở các nước này, các công ty bảo hiểm chỉ chi trả 4% thiệt hại về kinh tế từ các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập cao là 60%. Người phụ trách chính sách của tổ chức Christian Aid, Tiến sĩ Kat Kramer, đánh giá biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng trong năm 2020, từ lũ lụt ở châu Á, nạn châu chấu ở châu Phi hay các cơn bão ở châu Âu và châu Mỹ, .
Theo Tiến sĩ, con người phải hứng chịu các thiên tai cực đoan từ trước khi xảy ra tình trạng ấm lên toàn cầu, bởi hoạt động của con người bắt đầu gây xáo trộn hệ sinh thái của hành tinh. Với những dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ thu thập trong hơn 1 thế kỷ cùng với dữ liệu vệ tinh về các cơn bão và mực nước biển dâng trong hàng thập kỷ qua, rõ ràng là tác động của tình trạng nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên đang lan rộng.
Các trận siêu bão, hay cuồng phong và lốc xoáy giờ đây có thể mạnh hơn, kéo dài lâu hơn, mang theo nhiều nước hơn và tác động sâu rộng hơn so với cấp độ của chúng. Năm 2020 có tới 30 cơn bão trên biển Đại Tây Dương được đặt tên - nhiều nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại 41 tỷ USD và khiến ít nhất 400 người thiệt mạng. Những cơn bão như vậy được dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian tới.
Có 5 trong số 10 thiên tai gây thiệt hại nhiều nhất trong năm 2020 đều liên quan đến mùa mưa bất thường ở châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ trải qua mùa mưa với lượng mưa cao khác thường trong 2 năm liên tiếp.
Theo ông Shahjahan Mondal, Giám đốc Viện quản lý nước và lũ lụt thuộc Đại học công nghệ và kỹ thuật Bangladesh, cho biết mùa mưa lũ năm 2020 là một trong số những năm tồi tệ nhất lịch sử nước này với hơn 25% diện tích đất nước chìm trong nước. Những thiên tai như các vụ cháy rừng lan rộng trên diện tích lớn ở California (Mỹ), Australia và vùng nội địa Siberia của Nga cũng liên quan chặt chẽ tới tình trạng Trái đất ấm lên và được dự báo sẽ càng nghiêm trọng khi nhiệt độ Trái Đất tăng.