Trong lịch sử hình thành và phát triển, Mỹ luôn là một trong những nước đi tiên phong về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đối với nước Mỹ đều là một bức tranh mang gam màu hồng. Một trong những thách thức lớn chính là thiên tai, và Mỹ luôn là một trong những quốc gia hứng chịu thiên tai nặng nề nhất thế giới.
Những thảm họa thiên tai liên tiếp
Siêu bão cấp 4 Ida đã tiến vào thành phố New Orleans, bang Louisiana hôm 29/8 khiến thành phố này bị mất điện trên diện rộng trong 24 giờ sau khi Ida đổ bộ. Cách đây đúng 16 năm, siêu bão Katrina đã tàn phá khu vực này, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Để đối phó, bang Louisiana đã triển khai hơn 1.600 nhân viên để tìm kiếm và cứu hộ trên toàn bang. Thiếu tướng Lục quân Hank Taylor nói với các nhà báo tại cuộc họp của Lầu Năm Góc rằng quân đội, cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang và Vệ binh Quốc gia đã triển khai hơn 5.200 binh sĩ ở các bang Louisiana, Mississippi, Texas và Alabama.
Những hành động này cho thấy Chính quyền Mỹ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với siêu bão, song các nguồn lực dường như vẫn còn hạn chế trước sức tàn phá khủng khiếp mà bão Ida gây ra. Cơn bão Ida càn quét vùng duyên hải Vịnh Mexico (Mỹ) và "tấn công" các cơ sở sản xuất dầu, cảng và nhà máy lọc dầu tập trung tại khu vực này. Theo ước tính của AccuWeather, tổn thất về kinh tế mà bão Ida gây ra có thể lên tới 70-80 tỷ USD, với phần lớn thiệt hại do ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu mỏ và sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng.
Bão Ida xuất hiện trong bối cảnh người dân Mỹ vẫn còn bị ám ảnh bởi hậu quả của bão Henri trước đó chỉ vài ngày. Ngày 22/8, bão nhiệt đới Henri đã đổ bộ vào bang Rhode Island ở bờ Đông nước Mỹ, khiến hàng nghìn người lâm vào cảnh mất điện. Cơn bão trút xuống lượng mưa lớn kỷ lục trước khi suy yếu và di chuyển dọc vùng New England. Thống đốc bang Rhode Island Dan McKee cho biết đã xảy ra tình trạng "ngập lụt đáng kể" ở nhiều nơi.
Đây là cơn bão nhiệt đới hiếm hoi tràn vào khu vực bờ biển phía Đông Bắc nước Mỹ. Bão Henri hình thành trong bối cảnh lớp nước bề mặt của các đại dương đang ấm hơn do biến đổi khí hậu. Giới khoa học cảnh báo hiện tượng này sẽ khiến lốc xoáy trở nên mạnh hơn và cuốn theo nhiều nước hơn, gây đe dọa tới các khu vực duyên hải trên khắp thế giới.
Ngoài ra, cháy rừng cũng là một vấn đề nan giải tại Mỹ hiện nay. Theo Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia (NIFC), từ đầu năm 2021 đến nay, hơn 41.000 đám cháy đã thiêu rụi 18.514 km2 trên toàn quốc. Con số này cao hơn nhiều so với 13.354 km2 cùng kỳ năm ngoái.
Các phi hành gia sống và làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã ghi lại cảnh các đám cháy đang hoành hành khắp California trong một đợt hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng. Những bức ảnh được chụp vào ngày 29/8 ở độ cao 400 km từ ISS cho thấy 3 đám cháy lớn nhất đã bùng cháy trên toàn tiểu bang đều nằm ở phía Bắc California. Trong đó, đám cháy Dixie - bắt đầu vào ngày 13/7 - đã thiêu rụi hơn 3.200 km2; đám cháy Monument, cách không xa Dixie, thiêu rụi trên 700 km2; và đám cháy thứ ba, Caldor, đã thiêu rụi hơn 800 km2 về phía Đông của Sacramento.
Đầu tư cơ sở hạ tầng có phải là biện pháp ứng phó hữu hiệu?
Nhìn chung, thiên tai vẫn là nỗi ám ảnh thường trực của người dân Mỹ. Một phân tích trên tờ Washington Post nhận định rằng gần 1/3 người dân Mỹ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai trong 3 tháng qua. 64% trong số những người bị ảnh hưởng sống ở những khu vực từng trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày - hiện tượng này dù không được chính thức coi là thiên tai, nhưng được coi là "dạng thời tiết khắc nghiệt nguy hiểm nhất".
Phạm vi mở rộng của các thảm họa do khí hậu gây ra, một xu hướng đang gia tăng từ năm 2018, cho thấy mức độ ảnh hưởng mà biến đổi khí hậu gây ra đối với cuộc sống của người Mỹ. Ít nhất 388 người ở Mỹ đã thiệt mạng do bão, lũ lụt, sóng nhiệt và cháy rừng kể từ tháng Sáu. Nhiệt độ cao kỷ lục ở Tây Bắc Thái Bình Dương đã khiến hàng trăm người tử vong ngay tại nhà. Lũ quét biến các căn hộ ở tầng hầm thành "bẫy tử thần". Cháy rừng hoành hành qua 5 triệu mẫu rừng khô cằn.
Sau hàng loạt đợt thiên tai trong thời gian gần đây, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã triển khai bước đi mạnh mẽ khi đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách 24 tỷ USD cho các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai. Các quan chức Nhà Trắng cho biết khoản ngân sách bổ sung này là cần thiết nhằm ứng phó với hậu quả của thiên tai trong vòng 18 tháng qua. Yêu cầu này được đưa ra khi ông Biden thăm các bang New Jersey và New York để thị sát thiệt hại do cơn bão Ida gây ra.
Tổng thống Biden cũng đã kêu gọi Quốc hội sớm thông qua gói cơ sở hạ tầng để có thể ứng phó tốt hơn với thời tiết cực đoan. Phát biểu tại quận Queens – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề tại New York, ông Biden cho rằng các thảm họa này sẽ không dừng lại mà sẽ xảy ra với tần suất nhiều và mạnh hơn và đây là cuộc khủng hoảng chung đối với tất cả mọi người. Do đó, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sự cấp thiết phải nâng cấp và củng cố cơ sở hạ tầng một cách hệ thống, đồng thời đề xuất những thay đổi, trong đó có chống ngập tại các trạm điện, nâng cao các tòa nhà và hạ ngầm các đường dây điện.
Những biện pháp chủ động và tích cực của Chính quyền Tổng thống Biden cũng phù hợp với những cam kết của Tổng thống Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu được triển khai, các biện pháp này sẽ góp phần tích cực nhằm xoa dịu những lo ngại của người dân Mỹ về hậu quả của thiên tai, cũng như thể hiện vai trò đầu tàu của Mỹ nhằm chống biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp các nước trên thế giới nâng cao nhận thức cũng như tăng cường đầu tư cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu trong thời gian tới.