Theo báo cáo công bố ngày 13/5 của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 8/5 là 473.000 đơn, giảm so với 507.000 đơn của tuần trước đó.
Báo cáo phản ánh thực tế là mặc dù số việc làm trống người lao động hiện ở mức cao kỷ lục 8,1 triệu chỗ và vẫn có gần 10 triệu người ở tình trạng thất nghiệp chính thức, trong khi các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang loay hoay tìm kiếm lao động. Có nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "mất kết nối" giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, đó là việc người lao động ung dung sống nhờ khoản trợ cấp thất nghiệp, hay tâm lý lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi đi làm, trong khi có nhiều bậc phụ huynh phải ở nhà để chăm sóc con cái, hay buộc phải nghỉ làm do nơi làm việc thiếu nhiên liệu thô, hoặc chuyển đổi công tác.
Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ vào tuần trước, trong tháng 4, nền kinh tế "đầu tàu" thế giới đã tạo ra 266.000 việc làm sau khi bổ sung được 770.000 việc làm trong tháng 3/2020.
Một số nhà kinh tế cho rằng những chương trình hỗ trợ người thất nghiệp nâng cao, bao gồm khoản tiền trợ cấp của chính phủ 300 USD/tuần có thể khuyến khích nhiều người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, số người xin trợ cấp thất nghiệp đã liên tục giảm từ mức kỷ lục 6,149 triệu đơn hồi đầu tháng 4/2020. Một số bang của Mỹ như Tennessee và Missouri - nơi có tỷ lệ thất nghiệp dưới mức trung bình 6,1% của cả nước, mới đây thông báo sẽ kết thúc chương trình trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch COVID-19 vào tháng tới. Trong năm 2020, Chính phủ Mỹ đã cung cấp gần 6.000 tỷ USD hỗ trợ cho người dân nước này ứng phó với các cuộc khủng hoảng phát sinh do dịch bệnh.
Đến nay, cùng với việc có hơn 1/3 dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, chính quyền nhiều bang đang tiến tới gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp.
Gói kích thích kinh tế khổng lồ cùng với sức khỏe cộng đồng dần được cải thiện đã góp phần làm bùng nổ nhu cầu với hàng hóa trong khi nguồn cung hạn chế đã dẫn đến hậu quả làm lạm phát gia tăng.
Theo báo cáo khác công bố cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,6% trong tháng 4, sau khi tăng 1,0% trong tháng trước đó. Trong 12 tháng qua, PPI đã tăng tổng cộng 6,2%. Đây là mức tăng theo năm cao nhất kể PPI được điều chỉnh vào năm 2010.
Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất qua đêm xuống gần bằng 0 vào năm ngoái và đang "bơm" tiền vào nền kinh tế Mỹ thông qua việc mua trái phiếu hằng tháng. Theo FED, cơ quan này có thể chấp nhận để lạm phát cao hơn trong một thời gian để bù đắp những năm có lạm phát thấp hơn mức mục tiêu 2%. FED chủ trương duy trì chỉ số giá tiêu dùng ở mức 1,8%.