Thị trường dầu mỏ năm 2025 đối mặt những biến động khó lường

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt chính sách có thể tác động lớn đến thị trường dầu mỏ quốc tế.

Chú thích ảnh
Một giếng dầu ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự đoán các yếu tố tác động đến thị trường dầu mỏ luôn tiềm ẩn nhiều bất định. Điều này càng đúng trong bối cảnh năm 2024 vừa qua, khi thế giới chứng kiến một năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử, kéo theo những thay đổi quan trọng về chính sách toàn cầu. Trong số đó, đáng chú ý nhất là sự thay đổi chính quyền tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất, tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu.

Trong nước, ông theo đuổi chiến lược "khoan, khoan nữa, khoan mãi", cam kết đưa sản lượng dầu của Mỹ lên mức "chưa từng có tiền lệ". Điều này đòi hỏi giá dầu phải đủ cao để khuyến khích hoạt động khai thác, nhưng đồng thời, ông cũng muốn giữ giá dầu thấp để giảm gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng Mỹ.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất trong nước, ông Trump cũng tìm cách sử dụng dầu mỏ như một công cụ để thực hiện các mục tiêu chính trị rộng lớn hơn, bao gồm gây áp lực buộc Nga phải đàm phán để chấm xung đột tại Ukraine. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump tuyên bố: "Nếu giá dầu giảm, xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức. Hiện tại, giá dầu đang đủ cao để cuộc chiến vẫn tiếp diễn". Ông cũng chỉ trích Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vì duy trì giá dầu ở mức cao: "Lẽ ra họ nên hành động từ lâu rồi. Họ phải chịu trách nhiệm, ít nhất là ở một mức độ nào đó, về tình hình hiện nay". Hiện tại, giá dầu Brent vào khoảng 70 USD/thùng.

Năm 2024 chứng kiến sự khác biệt lớn trong các dự báo về nhu cầu dầu, đặc biệt giữa OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trong khi OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng hơn 2,2 triệu thùng/ngày, IEA chỉ đưa ra con số hơn 900.000 thùng/ngày. Dù mức chênh lệch này chỉ chiếm khoảng 1% tổng nhu cầu toàn cầu (trên 100 triệu thùng/ngày), nhưng nó có thể quyết định thị trường sẽ rơi vào trạng thái dư cung hay thiếu hụt, từ đó tác động đến giá dầu.

Từ tháng 8/2024, OPEC bắt đầu hạ dần dự báo nhu cầu và đến cuối năm, mức cắt giảm lên đến gần 600.000 thùng/ngày, thu hẹp khoảng cách với IEA. Tuy nhiên, sự khác biệt vẫn tồn tại.

Bước sang năm 2025, mức chênh lệch dự báo đã thu hẹp hơn. OPEC kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày, trong khi IEA dự báo mức tăng hơn 1 triệu thùng/ngày. Cả hai tổ chức đều cho rằng nhu cầu tăng chủ yếu từ các nước ngoài OECD, đặc biệt là Trung Quốc và khu vực châu Á.

Căng thẳng thương mại và tác động đến dầu mỏ

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù kinh tế toàn cầu duy trì mức tăng trưởng ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2025, thấp hơn mức 4,8% của năm 2024. Những yếu tố như nợ công cao, giảm phát, khủng hoảng bất động sản và niềm tin tiêu dùng suy yếu tiếp tục là thách thức lớn.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi chính sách thuế quan cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ngày 1/2/2025, mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã có hiệu lực, trong khi Mexico và Canada cũng bị áp thuế 25% từ ngày 1/3. Các biện pháp này có thể làm suy giảm sản lượng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Nguồn cung dầu: OPEC+ và các nước ngoài OPEC

Nguồn cung dầu thế giới hiện chia đều giữa nhóm OPEC+ và các nước ngoài OPEC+. Trong khi OPEC+ hạn chế sản lượng từ năm 2022, các quốc gia ngoài OPEC+, đặc biệt là Mỹ, Brazil, Guyana, Canada, Na Uy và Argentina, tiếp tục mở rộng khai thác. Mỹ dẫn đầu với mức sản xuất kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và dự kiến đạt 13,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Tuy nhiên, dù chính quyền Tổng thống Trump có ủng hộ ngành dầu mỏ, nhưng yếu tố then chốt quyết định mức sản xuất vẫn là giá dầu. Việc OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng giúp giá dầu ở mức cao, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Mỹ mở rộng khai thác.

Trừng phạt các nhà sản xuất dầu

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Isfahan ở Iran. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Trump đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga và Iran. Ông đe dọa sẽ áp thuế, thuế quan và trừng phạt đối với mọi hàng hóa Nga xuất khẩu sang Mỹ và các nước đồng minh nếu Moskva không đàm phán chấm dứt chiến sự.

Ngoài Nga, Iran cũng là mục tiêu tiềm năng. Chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, với mục tiêu giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống dưới 100.000 thùng/ngày, mức thấp nhất từng được ghi nhận trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Kịch bản thị trường dầu mỏ 2025

Kịch bản ít có khả năng xảy ra: Nhu cầu dầu tăng vọt, đẩy giá lên cao.

Khả năng cao hơn: Căng thẳng thương mại hạn chế tăng trưởng nhu cầu dầu, khiến giá khó tăng mạnh. Nếu ông Trump thành công trong việc cắt giảm xuất khẩu dầu từ Nga và Iran, giá dầu có thể tăng, nhưng điều này lại không có lợi cho người tiêu dùng Mỹ.

Trong trường hợp OPEC+ tận dụng cơ hội để tung thêm dầu ra thị trường nhằm "khôi phục cân bằng", giá dầu có thể tăng nhẹ nhưng không kéo dài. Nếu Nga đạt được một thỏa thuận với phương Tây liên quan xung đột Ukraine, nước này có thể yêu cầu nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của mình, từ đó gây áp lực lên giá dầu.

Dù thị trường dầu mỏ tiếp tục biến động, một sự cân bằng có thể xuất hiện. Tổng thống Trump có thể sẽ tìm cách hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng Mỹ và các nhà sản xuất dầu nội địa, duy trì một mức giá dầu phù hợp với cả hai bên.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo gisrepotsonline)
Mỹ nhắm mục tiêu cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu mỏ của Iran
Mỹ nhắm mục tiêu cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu mỏ của Iran

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vừa công bố kế hoạch siết chặt trừng phạt Iran, với mục tiêu cắt giảm mạnh sản lượng xuất khẩu dầu thô của quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN