Thị trường cá hồi 700 triệu USD điêu đứng vì ổ dịch COVID-19 mới tại Bắc Kinh

Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu cá hồi châu Âu trong bối cảnh lo ngại nguồn hàng này liên quan tới một ổ dịch COVID-19 mới bùng phát tại chợ đầu mối Bắc Kinh, mặc dù giới chuyên gia cho rằng hải sản khó có thể truyền bệnh sang người.

Chú thích ảnh
Cá hồi bày bán tại siêu thị ở quận Fengtai (Bắc Kinh) ngày 13/6. Ảnh: CNS

Theo Tân Hoa Xã, vào ngày 12/6, virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) được phát hiện trên thớt thái cá hồi trong chợ Tân Phát Địa. Khu chợ này được cho là nguồn gốc chùm lây nhiễm mới làm dấy lên nỗi lo sợ về làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Trung Quốc. Ngay khi tin tức lan truyền, các siêu thị lớn và nền tảng thương mại điện tử tại thủ đô Bắc Kinh đã loại bỏ toàn bộ mặt hàng cá hồi ra khỏi kệ bán. Các chuyên gia hàng đầu nước này cảnh báo người dân không nên tiêu thụ cá hồi trong thời điểm này.

“Chúng tôi không thể gửi cá hồi tới Trung Quốc bây giờ, thị trường đã đóng cửa”, Regin Jacobsen – Giám đốc Điều hành công ty cá hồi Bakkafrost – trả lời hãng tin Reuters. “Chúng tôi đã dừng toàn bộ đợt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và đang chờ tình hình được làm rõ”, Stein Martinsen – người đứng đầu phòng marketing tại công ty Cá hồi Hoàng gia Na Uy – cho hay.

Nghiên cứu gen về chủng virus SARS-CoV-2 tại ổ dịch mới ở Bắc Kinh cho thấy nó có thể bắt nguồn từ châu Âu.

Ông Zeng Giang – một chuyên gia cấp cao tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc – ngày 14/6 cho biết “chúng tôi vẫn chưa tìm ra liệu rằng con người truyền virus sang cho cá hồi hay cá hồi nhiễm virus trước”. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo người dân Bắc Kinh không nên ăn cá hồi sống hoặc mua thực phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, ông Wu Zunyou – trưởng ban dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) – lý giải virus SARS-CoV-2 có thể sống sót trên bề mặt thực phẩm đông lạnh tới 3 tháng.

Sự việc tẩy chay thị trường cá hồi trị giá 700 triệu USD được coi là một đòn giáng mạnh thứ hai lên các nhà xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc, sau 4 tháng đầu năm lao đao vì dịch COVID-19 khiến doanh số giảm 30%. Trước khi đại dịch bùng phát, 4 quốc gia xuất khẩu cá hồi lớn nhất đối với Trung Quốc bao gồm Chile, Na Ủy, Australia và quần đảo Faroe (Đan Mạch) chứng kiến nhu cầu tăng cao do thu nhập tầng lớp trung lưu tăng và người dân chuyển hướng sang chế độ ăn lành mạnh hơn tại quốc gia tỷ dân này.

Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 4, các nhà khoa học của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc kết luận vẫn chưa phát hiện bằng chứng virus SARS-CoV-2 lây nhiễm sang hải sản. Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy cũng chia sẻ cùng quan điểm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 dã chiến ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/6. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 16/6 cho biết đã ghi nhận thêm 40 ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 15/6, trong đó, 27 ca được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh.

Thành phố Bắc Kinh đã mở rộng khả năng xét nghiệm hằng ngày nhằm kiềm chế virus lây lan. Tại một cuộc họp báo, Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết đã tăng số cơ sở xét nghiệm lên 98 cơ sở, để có thể xét nghiệm cho 90.000 người/ngày.

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế sau khi cơ quan y tế sở tại đã ghi nhận 79 ca nhiễm mới trong cộng đồng chỉ trong 4 ngày - mức cao nhất kể từ tháng Hai vừa qua.

Một số quận đã dựng các chốt an ninh, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân xét nghiệm virus sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm mới liên quan chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á, và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến.

Đây là diễn biến đáng lo ngại vì Bắc Kinh là nơi tập trung nhiều trụ sở công ty lớn, trong khi chính quyền thành phố đang nỗ lực khôi phục cuộc sống thường nhật cũng như hoạt động kinh tế sau đại dịch.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Một số khu vực ở Bắc Kinh áp dụng lệnh phong tỏa trước đợt bùng phát COVID-19 mới
Một số khu vực ở Bắc Kinh áp dụng lệnh phong tỏa trước đợt bùng phát COVID-19 mới

Tất cả địa điểm giải trí và thể thao trong nhà ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đều đóng cửa trong ngày 15/6 khi giới chức địa phương đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 liên quan tới chợ đầu mối Xinfadi với một số khu vực lân cận đã được áp dụng lệnh phong tỏa hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN