Thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày giữa quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas mang lại niềm hạnh phúc vỡ òa cho hàng chục gia đình có người thân đang bị giam giữ, đồng thời tạo cơ hội được cứu sống cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh mạng.
Thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 7 giời sáng ngày 24/11, đúng vào ngày Black Friday. Các trung tâm thương mại tại Israel nhộn nhịp người đến mua sắm hàng giảm giá, vì đây là ngày đầu tiên người dân có thể ung dung ra ngoài sau một thời gian dài chiến sự diễn biến ác liệt. Tuy nhiên, khác với mọi năm, thay vì không khí mua sắm, báo chí Israel tràn ngập hình ảnh các con tin cùng gia đình với những nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc của ngày đoàn tụ. Các kênh truyền hình khu vực cũng đăng tải hình ảnh những người Palestine được thả từ nhà tù của Israel được chào đón khi trở về Jerusalem và Bờ Tây.
Theo thỏa thuận tạm ngừng bắn đã được các bên nhất trí, phía Hamas sẽ trả tự do cho 50 trong tổng số khoảng 240 con tin đang bị lực lượng này giam giữ ở Dải Gaza. Đổi lại, Israel sẽ phóng thích 150 tù nhân Palestine là phụ nữ và trẻ em đang bị giam trong các nhà tù của Nhà nước Do Thái. Bên cạnh đó, Israel sẽ cho phép các mặt hàng cứu trợ thiết yếu được đưa vào cho người dân ở Gaza ở cả miền Bắc và miền Nam, với hàng trăm xe tải mỗi ngày và “không có ngoại lệ”.
Ngày đầu tiên các con tin là công dân Israel được trở về bao gồm 4 trẻ em, 3 phụ nữ có con nhỏ, 6 phụ nữ lớn tuổi. Đồng thời còn có 10 công dân Thái Lan và 1 công dân Philippines cũng được Hamas phóng thích và trở lại Israel. Bệnh viện tiếp nhận cho biết các con tin người Israel đều trong trạng thái sức khỏe đảm bảo. Đổi lại, 39 người Palestine đã được thả hôm 24/11, trong đó có 22 phụ nữ, 17 trẻ vị thành niên. Trong đợt trao trả thứ hai, diễn ra tối 25/11, Israel thông báo phóng thích 39 tù nhân người Palestine, gồm 6 phụ nữ và 33 trẻ vị thành niên. Israel cũng xác nhận phong trào Hamas cùng ngày đã thả nhóm con tin thứ hai, gồm 13 công dân Israel và 4 công dân Thái Lan.
Không chỉ khu vực phía Nam gần với Dải Gaza, biên giới phía Bắc giữa Israel và Liban cũng đang được hưởng những giây phút yên bình hiếm hoi. Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn không bao gồm chiến trường này, nhưng phong trào Hezbollah đã chủ động tham gia. Suốt tháng qua, nơi đây ngày nào cũng chứng kiến các cuộc giao tranh qua lại giữa quân đội hai bên, khiến tổng cộng đã có khoảng 100 người thiệt mạng. Nỗi lo ngại của dư luận quốc tế về nguy cơ chiến tranh lan rộng ra toàn bộ khu vực cũng xuất phát từ điểm nóng này.
Sau 49 ngày giao tranh, thỏa thuận ngừng bắn dù chỉ đem lại khoảng lặng tạm thời vẫn mang những ý nghĩa rất lớn. Về mặt con số, mỗi con tin được thả là một mạng người được cứu sống và mỗi ngày ngừng bắn giúp nền kinh tế Israel tiết kiệm được khoảng 270 triệu USD. Ở bình diện rộng hơn, việc phía Hamas cho phép Hội Chữ thập Đỏ quốc tế tiếp cận những người bị bắt cóc sẽ giúp xác định được danh tính và tình trạng sức khỏe của họ. Đối với người Palestin, những ngày không bom đạn sẽ cho phép các nhân viên quốc tế và người dân ở Dải Gaza di chuyển an toàn, thiết lập thêm các trại tị nạn, đưa thêm nhiều hàng hóa và dịch vụ nhân đạo.
Thống kê đến nay, xung đột bùng phát ngày 7/10 đã khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng tại Israel, trong khi con số tại Dải Gaza lên đến hơn 14.800 người thiệt mạng và 36.000 người bị thương. Với tình hình Gaza được mô tả như một “địa ngục trần gian”, mỗi ngày ngừng chiến sự là cơ hội để hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người dân ở dải đất này giảm bớt nguy cơ tử vong hoặc bệnh tật do hậu quả của chiến tranh.
Vì những lý do đó, dư luận quốc tế đều rất vui mừng và hoan nghênh thiện chí của cả phía Israel và Hamas, đồng thời đánh giá cao các nỗ lực của các nước trung gian, đặc biệt là Qatar, Mỹ và Ai Cập. Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã không ngừng gây áp lực với hơn chục cuộc điện đàm và một lần đến tận nơi gặp trực tiếp để giới lãnh đạo Israel chấp nhận một lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, các quan chức Qatar liên tục thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị của Hamas và Ai Cập phát huy kinh nghiệm đàm phán nhiều thập niên với các chỉ huy của phong trào này ở Dải Gaza.
Đánh giá cao thỏa thuận ngừng bắn, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths khẳng định sẵn sàng tăng cường các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula Von der Leyen đánh giá cao nỗ lực không mệt mỏi của các bên thông qua các kênh ngoại giao trong những tuần gần đây.
Mỹ, Nga, Ai Cập, Jordan, Cadana, Tây Ban Nha, Bỉ, Chính quyền Palestine (PA)... đều hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, các bên cũng cho rằng một lệnh ngừng bắn tạm thời là chưa đủ. Cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine, một trong những điểm nóng phức tạp nhất thế giới, đòi hỏi trước hết phải có một lệnh ngừng bắn lâu dài, tiếp đến là các giải pháp chính trị và ngoại giao cho các vấn đề gốc rễ. Quan trọng nhất, trong đó phải bao gồm giải pháp hai nhà nước, nói cách khác một nhà nước Palestine độc lập sẽ phải ra đời và cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel.
Giải pháp hai nhà nước đã được quốc tế nỗ lực thúc đẩy bằng các hoạt động ngoại giao từ đầu những năm 1990, nhưng trải qua nhiều thập niên vẫn bế tắc khi các nước hầu như chỉ “nói nhiều hơn làm”. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez ngày 24/11 đã tuyên bố "chúng tôi có thể sẽ quyết định công nhận Nhà nước Palestine nếu Liên minh châu Âu không làm điều đó". Ông cũng kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham gia của cả người Palestine và người Israel.
Thủ lĩnh Hamas, Ismail Haniyeh cho biết sẽ tuân thủ các điều khoản ngừng bắn và trả tự do cho các con tin chừng nào Israel cũng tuân thủ thỏa thuận này. Dường như phía Israel cũng mong muốn thỏa thuận được tôn trọng để có thể đưa được các con tin trở về an toàn, đồng thời giải quyết vấn đề nhân đạo, qua đó giảm bớt sức ép từ dư luận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa hai bên thù địch và chưa đạt được các mục tiêu mong muốn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Trải qua gần 3 ngày đi vào thực hiện, đã có thêm các con tin được trao trả và tiếng súng đã ngưng lắng ở cả hai đầu chiến tuyến. Nhưng sau đó sẽ là gì, khi số phận của gần 200 con tin còn lại đang bị Hamas giam giữ, cùng hơn 5.000 người Palestine trong các trại giam tại Israel, còn chưa rõ, và các lãnh đạo cao cấp nhất của Israel đã tuyên bố “thỏa thuận ngừng bắn không có nghĩa là kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza”.
Có trải qua những ngày tháng bom đạn mới thấu hiểu giá trị của từng giây phút mà hòa bình mang lại. Vì vậy, khoảng lặng ngừng bắn 4 ngày là rất đáng kể, nhưng vẫn còn quá ít với tất cả những ai yêu chuộng hòa bình. Thế giới đang nhìn vào cuộc xung đột ở Trung Đông và mong muốn nhiều hơn thế.