Báo "Hình ảnh Chủ Nhật" số ra ngày 27/10 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã biết việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2010, song ông không những không ngăn cấm mà còn chỉ đạo tiếp tục mở rộng theo dõi nhà lãnh đạo này của Đức.Theo tờ báo trên, Tổng thống Obama khi đó còn yêu cầu NSA làm một bộ hồ sơ toàn diện về nữ Thủ tướng Đức. Lý do chính là ông Obama không còn tin tưởng bà Merkel và muốn biết tất cả về Thủ tướng Đức xem "người phụ nữ này chính xác là ai". Không chỉ hạn chế việc do thám chiếc điện thoại di động phục vụ công việc nội bộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), NSA còn do thám cả chiếc điện thoại mới, được bảo mật cao mà bà Merkel vừa sử dụng từ mùa hè vừa qua.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington, DC năm 2010. Ảnh: AFP/TTXVN |
NSA nắm được toàn bộ nội dung tin nhắn và các cuộc đàm thoại từ chiếc điện thoại mới này. Riêng các cuộc đàm thoại từ chiếc máy điện thoại cố định, thường được bà Merkel sử dụng khi điện đàm với lãnh đạo chính phủ nước ngoài, là không thể do thám vì được thiết lập chế độ bảo mật tuyệt đối.
Trong khi đó, theo các nguồn tin mới nhất mà báo "Spiegel" (Tấm gương) có được, điện thoại di động của bà Merkel có thể đã bị NSA theo dõi từ năm 2002, thậm chí NSA và Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã triển khai 18 nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, tọa lạc ở địa điểm chỉ cách Phủ Thủ tướng Đức chừng 1km, để tiến hành theo dõi toàn bộ thông tin liên lạc ở khu nhà Chính phủ Đức nhờ một hệ thống ăngten tối tân được lắp đặt ở sứ quán này.
Tuy nhiên, cùng ngày, NSA đã lên tiếng bác bỏ thông tin nói Tổng thống Obama biết về vụ do thám Thủ tướng Merkel. Phát ngôn viên NSA Vanee' Vines khẳng định Giám đốc cơ quan này, Tướng Keith Alexander "chưa hề thảo luận với Tổng thống Obama vào năm 2010 về cái gọi là hoạt động tình báo nước ngoài liên quan đến Thủ tướng Đức Merkel, những cáo buộc trên hoàn toàn không đúng sự thật".
Những cáo buộc liên quan đến việc tình báo Mỹ chặn thu và nghe lén cuộc điện thoại của các cơ quan chính phủ và nguyên thủ nhiều quốc gia đã và đang gây căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với hàng loạt nước, trong đó có cả những đồng minh thân cận ở châu Âu. Mặc dù, Mỹ đã lên tiếng xin lỗi, song giới lãnh đạo châu Âu cho rằng như vậy là chưa đủ mà cần phải có sự thay đổi lớn, sớm thiết lập một thỏa thuận khung với Mỹ về hoạt động do thám. Thậm chí, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Hans-Peter Friedrich còn coi đây là "hành động phạm pháp", đồng thời yêu cầu truy cứu trách nhiệm những người liên quan.
Trong một diễn biến liên quan, báo "El Pais" (Đất nước) của Tây Ban Nha số ra ngày 28/10 cho biết NSA đã nghe lén và theo dõi trái phép khoảng 60 triệu cuộc điện thoại trong thời gian gần 1 tháng (từ ngày 10/12/2012 đến ngày 8/1/2013) tại Tây Ban Nha. Tin trên được báo "El Pais" tiết lộ căn cứ vào những thông tin mật mà cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden công bố, theo đó, tình báo Mỹ đã theo dõi không chỉ hàng triệu người dân Tây Ban Nha, mà cả các chính trị gia và thành viên chính phủ nước này.
Tuy nhiên, báo trên cũng nêu rõ tại Tây Ban Nha, NSA không đặt mục tiêu "tìm hiểu nội dung các cuộc đàm thoại, mà chỉ xác định thời lượng, số điện thoại và địa chỉ của các thuê bao".
Hiện các cơ quan tình báo Tây Ban Nha đang tiến hành kiểm tra độ tin cậy của những thông tin trên. Bộ Ngoại giao nước này đã triệu Đại sứ Mỹ tại Tây Ban Nha James Kostos tới để giải thích về vụ việc. Tại Tây Ban Nha, việc do thám các cuộc điện thoại, SMS và thư điện tử không được sự cho phép của các cơ quan tư pháp là một hành vi phạm tội.
Trong khi đó, tuần báo "Journal du Dimanche" của Pháp số ra ngày 27/10 dẫn nguồn tin từ cơ quan mật vụ Pháp, cho rằng cơ quan tình báo Mỹ có thể sử dụng thông tin về những người Pháp có tầm ảnh hưởng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ ở châu Âu.
Báo trên nhận định với các dữ liệu này, Washington có thể thiết lập "liên hệ hiệu quả với những người có ảnh hưởng", đặc biệt với các bộ trưởng, thứ trưởng và người đứng đầu các công ty lớn. Theo nguồn tin trên, không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia NSA tiến hành một hoạt động quy mô lớn như vậy để theo dõi thông tin điện tử ở Pháp trong giai đoạn Giáng sinh và ngày lễ Năm mới.
TTXVN/Tin tức