Thêm nhiều bằng chứng cho thấy tiêm chủng giúp giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2

Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia Australia khẳng định ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh hay giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh, mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, bà Jennifer Juno, Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty, và ông Adam Wheatley, Khoa Vi sinh và miễn dịch học, Đại học Melbourne, nêu rõ có bằng chứng ban đầu sau thử nghiệm trên động vật cho thấy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể ngăn chặn động vật truyền virus gây bệnh. Tuy nhiên, động vật khác với con người và cộng đồng khoa học cần những nghiên cứu ở người để đưa ra kết luận.

Vào tháng 4 năm nay, Cơ y tế Công cộng vùng England (Anh) đã công bố kết quả một nghiên cứu lớn về sự lây truyền của dịch COVID-19 ở hơn 365.000 hộ gia đình có các thành viên được và chưa được tiêm chủng. Nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca đã làm giảm 40-60% khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này có nghĩa là nếu một người bị mắc bệnh sau khi được chủng ngừa thì khả năng lây bệnh của người này cho người khác chỉ bằng khoảng một nửa so với những người mắc bệnh khi chưa được tiêm vaccine.

Trong khi đó, một nghiên cứu ở Israel, quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng phòng COVID-19, đưa ra một số manh mối lý giải việc dịch bệnh được khống chế tai nước này. Các nhà nghiên cứu đã xác định gần 5.000 trường hợp “lây nhiễm đột phá” (những người đã được tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh) và tìm hiểu lượng virus có trong miếng gạc lấy dịch từ mũi của những người này. Kết quả cho thấy so với những người không được tiêm phòng, lượng virus thấp hơn nhiều ở những người đã được tiêm phòng. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng lây nhiễm cho người khác thấp hơn.

Như vậy, theo các chuyên gia y tế Australia, vaccine phòng COVID-19 giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh và những người được tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân mà còn cả những người xung quanh. Việc phá vỡ các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng và hạn chế nguy cơ lây lan cho người khác có vai trò rất quan trọng trong việc giúp bảo vệ những người có thể đáp ứng kém với vaccine hoặc không thể tiêm chủng, chẳng hạn như trẻ em, một số người lớn tuổi và một số người bị suy giảm miễn dịch.

Điều này cũng làm tăng khả năng miễn dịch cộng đồng ở một mức độ nhất định và giúp dỡ bỏ nhanh hơn các hạn chế xã hội. Tuy nhiên, hai chuyên gia y tế Australia lưu ý khả năng miễn dịch, ngay cả khi được tiêm vaccine, giảm dần theo thời gian và các nhà khoa học đang tích cực theo dõi những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 để tìm hiểu khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu và khi nào thì cần phải tiêm nhắc lại.

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đang là vấn đề rất được quan tâm do chúng đặt ra hai thách thức lớn: có thể né tránh khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng và trong một số trường hợp, chúng dễ lây truyền hơn. Tín hiệu tích cực là các nước triển khai tiêm vaccine sớm đang kiểm soát tốt bệnh dịch. Ngoài ra, các công ty bào chế vaccine như Moderna cũng đang nghiên cứu "phiên bản" cập nhật nhắm  vào các biến thể mới với kết quả ban đầu tích cực.

Mặc dù hầu hết người được tiêm chủng có ít khả năng lây truyền virus hơn, các chuyên gia y tế Australia khuyến cáo điều quan trọng là phải duy trì các hành vi có trách nhiệm như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội để bảo vệ những người chưa được tiêm hoặc không thể tiêm chủng.

Nguyễn Minh (TTXVN)
Dịch COVID-19 căng thẳng tại Ấn Độ - mối lo về nguồn vaccine ở châu Phi
Dịch COVID-19 căng thẳng tại Ấn Độ - mối lo về nguồn vaccine ở châu Phi

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ đang khiến nhiều nước châu Phi hết sức lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN