Thêm hàng chục công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào 'danh sách đen thương mại'

Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/12 thông báo đã thêm hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip hàng đầu của nước này SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái (drone) SZ DJI Technology Co Ltd, vào “danh sách đen thương mại”, giữa lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gia tăng căng thẳng với Trung Quốc trong những tuần cuối cùng tại vị.

Chú thích ảnh
SMIC là niềm hy vọng của Trung Quốc về tự chủ công nghệ bán dẫn. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách 77 công ty và chi nhánh liên kết vào danh sách thực thể, bao gồm 60 công ty Trung Quốc. Ngoài SMIC, những cái tên khác được đưa vào “danh sách đen” lần này bao gồm công ty chuyên về drone lớn nhất thế giới DJI, công ty công nghệ sinh học AGCU Scientech, công ty Vật liệu và Dụng cụ Khoa học Quốc gia Trung Quốc (CSIMC) và công ty công nghệ Kuang-Chi Group.

Các công ty trước đó đã được thêm vào danh sách bao gồm “gã khổng lồ” thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co và 150 chi nhánh, ZTE Corp, cũng như nhà sản xuất camera giám sát Hikvision của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đưa ra hành động trên là vì Bắc Kinh muốn khai thác các công nghệ dân sự cho mục đích quân sự. Bộ cũng cho hay có bằng chứng về các hoạt động giữa SMIC và các công ty công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Trong một thông cáo riêng đưa ra sau đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Chính phủ Mỹ sẽ sử dụng tất cả các biện pháp đối phó có sẵn, bao gồm các hành động ngăn chặn các công ty và tổ chức Trung Quốc khai thác hàng hóa và công nghệ Mỹ cho các “mục đích xấu".

SMIC và các công ty trên đã không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Tuy vậy, một số nhà lập pháp, quản lý cấp cao trong ngành công nghiệp và các cựu quan chức đã đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng từ động thái chống lại các công ty Trung Quốc, đặc biệt là SMIC.

Nhìn chung, các công ty bị đưa vào danh sách sẽ bắt buộc phải đối mặt với sự kiểm tra vốn đã rất gắt gao khi xin giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ để có thể tiếp cận các mặt hàng từ các nhà cung cấp nước này. Song đối với SMIC, công ty sẽ chỉ phải đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chặt hơn khi họ muốn xin quyền nhập khẩu thiết bị sản xuất chip cao cấp có kích thước 10 nanomet trở xuống của Mỹ.

 Bộ Thương mại Mỹ cho biết giấy phép cho tất cả các mặt hàng khác được chuyển cho SMIC sẽ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể.

Phản ứng với động thái của Washington, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng ngày 18/12 khẳng định Mỹ nên chọn đối thoại và tham vấn với Trung Quốc, thay vì theo đuổi các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các công ty Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng áp dụng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và "đàn áp tùy tiện” các công ty nước này.

Động thái trên được coi là nỗ lực mới nhất của Tổng thống Trump nhằm củng cố hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc của mình, trong cuộc chiến kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh về thương mại cùng nhiều vấn đề kinh tế khác.

H.Thủy (TTXVN)
Mỹ lại áp hạn chế với 6 thực thể báo chí Trung Quốc
Mỹ lại áp hạn chế với 6 thực thể báo chí Trung Quốc

Mỹ liệt thêm 6 thực thể báo chí Trung Quốc vào diện “phái bộ nước ngoài” và đây được coi là một phần trong hành động ăn miếng trả miếng giữa hai nước liên quan đến các tổ hợp truyền thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN