Những cơ quan báo chí của Trung Quốc bị Mỹ áp hạn chế lần này gồm có tờ Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) có uy tín trong giới nghiên cứu kinh tế đại lục, Nhật báo Jiefang của Đảng bộ chính quyền thành phố Thượng Hải. Bốn thựcc thể còn lại là tờ Yicai Toàn cầu, Tin tức Xinmin buổi tối, Khoa học xã hội trong Báo chí và tờ Tạp chí Bắc Kinh (Beijing Review).
Phát biểu tại cuộc họp báo tối ngày 21/10 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng những tờ báo này đa phần do “một chính phủ nước ngoài” kiểm soát. Ông khẳng định Mỹ không áp hạn chế với các tổ hợp này trong việc xuất bản ấn phẩm ở Mỹ, mà chỉ hướng đến việc người Mỹ, những khách hàng tiêu dùng thông tin tại Mỹ, có được cái nhìn về báo chí tự do và báo chí do chính quyền Trung Quốc định hướng.
Đây được xem là đòn trả đũa ăn miếng trả miếng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến báo chí, truyền thông. Hồi tháng 2, Mỹ liệt năm thực thể truyền thông Trung Quốc vào diện “phái bộ nước ngoài”, trong đó có Tân Hoa xã và tờ China Daily.
Bắc Kinh đáp trả bằng quyết định trục xuất hơn 12 nhà báo làm việc cho ba tờ báo của Mỹ có văn phòng tại Trung Quốc. Hai nước còn lún vào cuộc chiến visa cấp cho phóng viên, với việc mỗi bên đều tìm cách trì hoãn gia hạn thẻ tác nghiệp báo chí cho phóng viên thường trú của đối phương.
Theo quy định của Mỹ, khi thuộc diện “phái bộ ngoại giao”, các cơ quan báo chí nước ngoài sẽ buộc phải đăng ký, gửi thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ khi có thay đổi nhân sự, hoặc mua/thuê văn phòng làm việc ở Mỹ - tương tự quy định áp dụng với các đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao khác.