COVID-19 được phát hiện lần đầu cách đây 2 năm và trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Đến nay đã có hơn 5,4 triệu người tử vong vì COVID-19, gây khủng hoảng kinh tế.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá biến thể Omicron, mặc dù được cho không gây bệnh nặng, nhưng những ngày gần đây đã đẩy mức độ lây nhiễm lên cao kỷ lục tại Mỹ, Anh, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác, buộc một số chính phủ phải tái áp đặt các lệnh hạn chế.
Theo AFP, vào ngày 29/12, thế giới lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày vượt ngưỡng 1 triệu trường hợp. Từ Hy Lạp tới Mexico và nhiều nơi ở châu Âu, giới chức đã hủy hoặc giảm quy mô các sự kiện công cộng.
Ở Pháp, việc đeo khẩu trang ở bên ngoài sẽ là bắt buộc đối với tất cả công dân trên 11 tuổi tại Paris từ 31/12. Tây Ban Nha đã hủy nhiều lễ hội công cộng ở nhiều tỉnh thành. Ngày 30/12, Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) tuyên bố sẽ mở cửa các bệnh viện dã chiến tạm thời trước tình trạng người mắc COVID-19 tăng vọt.
Indonesia với trên 4,2 triệu ca mắc COVID-19 đã cảnh báo có thể trục xuất khách du lịch nước ngoài khỏi đảo Bali nếu họ vi phạm quy định phòng dịch trong dịp lễ mừng năm mới. Bali cấm việc tập trung hơn 50 người, bắn pháo hoa trong thời gian từ Giáng sinh đến năm mới.
Thủ đô Mexico cũng thông báo hủy các sự kiện quy mô mừng khoảnh khắc bước sang năm mới và coi đây là biện pháp phòng ngừa sau khi số ca mắc COVID-19 tăng.
Giới chức Saudi Arabia trong khi đó cũng tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà thờ Hồi giáo Grand Mosque ở Mecca.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo: “Tôi lo ngại rằng biến thể Omicron dễ lây lan hơn và hiện diện cùng thời điểm với Delta, dẫn đến sóng thần các ca mắc. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây áp lực lên các nhân viên y tế đã kiết sức cùng hệ thống chăm sóc sức khỏe bên bờ vực sụp đổ”.
Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), biến thể Omicron đã gây quá tải một số bệnh viện tại nước này với số ca mắc mới COVID-19 trung bình 7 ngày ở mức 265.427 trường hợp.