Diễn biến mới của bầu cử Mỹ
Đúng 9 giờ tối 29/9 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden bước vào cuộc tranh luận tay đôi vòng một. Trong cuộc tranh luận được tổ chức ở Cleveland, bang Ohio, cả hai ứng cử viên đã thay nhau bày tỏ quan điểm về sáu chủ đề thảo luận, gồm: Hồ sơ của hai ứng cử viên, Tòa án tối cao, đại dịch COVID-19, kinh tế Mỹ, chủng tộc và bạo lực tại Mỹ, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống.
Trong màn đấu tay đôi kéo dài 90 phút này, hai ứng cử viên liên tục thể hiện quan điểm đối lập nhau về các vấn đề đưa ra tranh luận. Đơn cử như về Tòa án Tối cao và việc đề cử nhân sự cho vị trí thẩm phán tối cao, ông Trump bảo vệ quyết định đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao. Về phần mình, ông Biden lặp lại quan điểm người chiến thắng trong bầu cử 2020 mới nên là người được quyền lựa chọn ứng cử viên cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao.
Hay trong đối phó với COVID-19, ông Biden chỉ trích ông Trump chủ quan, không có kế hoạch hành động nào, dẫn đến việc 200.000 người Mỹ tử vong. Còn Trump ca ngợi quyết định của cá nhân ông về hạn chế khách du lịch đi/đến từ Trung Quốc vào cuối tháng 1 vừa qua, nói rằng điều này giúp cứu sống hàng triệu người Mỹ.
Tuy nhiên, điểm nhấn của vòng đấu tay đôi lần này không phải là quan điểm, chương trình hành động của từng ứng cử viên, mà là tính chất “hỗn loạn, mất kiểm soát” trong tranh luận. Dư luận Mỹ đánh giá đây là cuộc tranh cãi hỗn loạn, gián đoạn với sự công kích và tấn công tồi tệ nhất giữa hai ứng cử viên tranh cử tổng thống. Ông Trump đã có tới 73 lần ngắt lời đối thủ, con số đó đối với ông Joe Biden là 15. Điều này khiến buổi tranh luận bị ngắt quãng, rời rạc, chất lượng không cao, không mang lại những gì mà cử tri kỳ vọng đối với cả hai ứng cử viên này sẽ đưa ra trong 4 năm cầm quyền sắp tới.
Trong một diễn biến khác liên quan đến tranh cử, Tổng thống Trump và phu nhân Melania ngày 1/10 được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Trump đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed ở bên ngoài Washington. Nhà Trắng cho biết ông Trump có các triệu chứng nhẹ và tinh thần tốt; ông vẫn sẽ trực tiếp điều hành công việc từ văn phòng trong văn phòng tổng thống tại Walter Reed trong những ngày tới.
Ít có khả năng bầu cử Tổng thống Mỹ bị hoãn lại từ diễn biến mới. Theo Hiến pháp Mỹ, chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền thông qua một dự luật thay đổi ngày bầu cử được quy định cứng là "thứ ba ngay sau thứ hai đầu tiên của tháng 11, cứ bốn năm một lần", trong khi Hạ viện Mỹ hiện do phe Dân chủ kiểm soát.
Tuy nhiên, việc ông Trump nhiễm COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa. Ngày 2/10, Giám đốc chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Bill Stepien cho biết toàn bộ các sự kiện vận động tranh cử được công bố trước đó có sự tham gia của ông Trump sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc bị hoãn tạm thời.
Xung đột leo thang tại Nagorno-Karabakh
Chiến sự ác liệt tại Nagorno-Karabakh đã bước sang ngày thứ 6, với việc Bộ Quốc phòng Armenia cho biết đã xảy ra các cuộc đụng độ ác liệt trong ngày 3/10 ở phía nam và phía bắc Nagorno-Karabakh sau khi Azerbaijan huy động lực lượng lớn, có cả không quân và mở cuộc tấn công nhằm vào khu vực này, buộc Armenia đáp trả.
Leo thang thù địch tái bùng phát vào sáng 27/9. Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự.
Đụng độ tại Nagorno-Karabakh lần này được coi là khốc liệt và đẫm máu. Chính quyền Armenia đã ban bố thiết quân luật và tổng động viên trên phạm vi toàn quốc, kêu gọi người dân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng đã ký sắc lệnh động viên một phần lực lượng dự bị quân đội.
Hai bên đã huy động một lực lượng lớn vũ khí hạng nặng gồm xe tăng, pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt, trực thăng, máy bay chiến đấu… tham gia chiến dịch quân sự nhằm vào đối phương. Đã có thương vong, thiệt hại về binh sĩ và dân thường với cả Armenia và Azerbaijan, nhưng con số hai bên đưa ra là khác nhau.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, sớm thiết lập lệnh ngừng bắn. Ngày 1/10, Tổng thống Nga, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố chung trên cương vị đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), kêu gọi lãnh đạo Armenia và Azerbaijan thiết lập lệnh ngừng bắn, cam kết nối lại tức thời các cuộc đàm phán thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan ngừng ngay giao tranh tại Nagorno- Karabakh, giảm căng thẳng và nhanh chóng quay lại đàm phán. HĐBA khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" vai trò trung tâm của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk trong nỗ lực làm trung gian hòa giải.
Đáp lại lời kêu gọi này, ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Armenia tuyên bố nước này sẵn sàng phối hợp với OSCE hướng tới thiết lập lại lệnh ngừng bắn, sẵn sàng theo đuổi chủ trương giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Nagorno-Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.