'Con thuyền' NATO không vững tay chèo sau 70 năm
Việc có quá nhiều bất đồng giữa các đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở London ngày 3-4/12 có thể đánh dấu sự khởi đầu của tình trạng NATO bị chia rẽ.
70 năm sau ngày thành lập, NATO đang bị nhiều nước thành viên quan trọng đặt vào thế thử thách tồn vong. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phàn nàn rằng các thành viên không đóng góp đủ ngân sách cho quốc phòng thì người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron lại cho rằng NATO đang “chết não” vì thiếu định hướng chính trị và sự phối hợp ở tầm cao.
Sinh nhật lần thứ 70 tại Watford, ngoại ô London, lẽ ra phải được tổ chức linh đình, lại diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Trong bầu không khí ảm đạm, NATO cuối cùng đã đưa ra một tuyên bố chung dung hòa mối quan tâm của các nước thành viên, song có vẻ đây chỉ là sự đoàn kết bề ngoài.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo NATO tái khẳng định thỏa thuận phòng thủ chung, được nêu trong điều 5 Hiến chương NATO, theo đó một vụ tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên được coi như tấn công toàn khối. Tuyên bố trên cũng thừa nhận "các thách thức và cơ hội" từ một Trung Quốc đang nổi lên và lo ngại về các hành động của Nga, coi đây là "mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương". 29 lãnh đạo NATO cũng cam kết "hành động mạnh tay hơn" chống chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, cũng trong ngày cuối cùng kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy buổi họp báo được lên lịch trước đó. Tổng thống Trump bày tỏ tức giận khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau và lãnh đạo một số nước có những phát biểu châm chọc ông. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump thông báo sẽ trở lại Washington khi các cuộc họp trong ngày kết thúc.
Về phần mình, phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Macron thừa nhận NATO “chưa làm sáng tỏ” được các vấn đề còn tranh cãi và “những điểm chưa rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết”.
Theo các nhà phân tích, dù liên minh quân sự 70 tuổi vẫn được đánh giá là không thể tách rời, song trước những mâu thuẫn hiện nay, NATO thực sự đứng trước thử thách rất lớn về sự gắn kết, tác động mạnh tới lựa chọn hướng đi trong tương lai. Nếu không sớm giải quyết được các bất đồng nội bộ, tính liên kết của liên minh quân sự sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng tới vị thế và vai trò của tổ chức này trên trường quốc tế.
Mỹ mở mặt trận mới trong thương chiến toàn cầu
Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy tiếp cuộc chiến thương mại toàn cầu lên tầm cao mới với việc mở rộng thêm hai mặt trận. Đó là tuyên bố áp thuế đối với mặt hàng nhôm, thép công nghiệp từ Brazil và Argentina, trong khi đe dọa tăng cường các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với hàng chục sản phẩm của Pháp.
Ngày 2/12, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp đặt các mức thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Brazil và Argentina. Tuyên bố trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump thông báo sẽ áp đặt trở lại toàn bộ thuế nhôm và thép được nhập vào Mỹ từ Brazil và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Ông nêu rõ Brazil đã giảm giá mạnh đồng nội tệ của họ, gây tổn hại tới người dân Mỹ. Không chỉ Brazil, Tổng thống Mỹ Trump cũng tuyên bố sẽ áp thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu từ Argentina với lý do tương tự.
Trên thực tế, Brazil và Argentina được cho là "hưởng lợi" nhờ những đòn áp thuế qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai quốc gia Nam Mỹ này tìm cách thay thế các mặt hàng đậu tương và nông sản xuất khẩu khác của Mỹ. Chính quyền Mỹ đã thông qua quyết định miễn thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Argentina và Brazil sau khi các bên nhất trí về hạn ngạch xuất khẩu các mặt hàng kim loại này sang Mỹ.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt trở lại các mức thuế nhập khẩu nhôm và thép từ Brazil, chính phủ nước này đã đưa ra phản ứng đồng thời hy vọng Mỹ xem xét lại quyết định áp thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Chính phủ Brazil thông báo đã trao đổi với đại diện chính phủ Mỹ xung quanh tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về ý định tái áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Brazil và Argentina, đồng thời khẳng định sẽ có những biện pháp để bảo vệ lợi ích thương mại của mình.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 2/12, chính phủ Mỹ thông báo đánh thuế lên tới 100% đối với lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp để trả đũa việc Paris đánh thuế DST 3% doanh thu đối với các công ty công nghệ có doanh thu trên 25 triệu euro (27,86 triệu USD) tại thị trường Pháp và 750 triệu USD (830 triệu USD) trên toàn cầu.
Công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài 5 tháng, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer kết luận thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp phân biệt đối xử với các công ty Internet của Mỹ.
Sau khi chính phủ Mỹ thông báo đánh thuế lên tới 100% đối với lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp để trả đũa việc Paris đánh thuế DST, ngày 3/12, các bộ trưởng Pháp và EU sẵn sàng đáp trả quyết định của Mỹ.
Pháp là một thành viên của EU nên việc chính quyền Tổng thống Trump trả đũa Pháp chắc chắn cũng sẽ khiến toàn bộ các nước thành viên EU rơi vào một cuộc tranh chấp thương mại mới. Đặc biệt, trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ với EU gia tăng trong thời gian gần đây, những động thái trên cũng báo hiệu một thời kỳ căng thẳng thương mại mới trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Hơn nữa, vì Mỹ và EU đều là những nền kinh tế có ảnh hưởng lớn nên cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn chắc chắn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu.