Thế giới tuần qua: Lãnh đạo Nga, Trung phác thảo chính sách qua các cuộc họp ‘đặc biệt’

Hội nghị tổng kết 40 năm Trung Quốc thực thi đường lối cải cách-mở cửa và cuộc họp báo trực tuyến thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin là hai sự kiện đáng chú ý trong tuần.

Chú thích ảnh
Trung Quốc tổ chức trọng thể hội nghị tổng kết 40 năm ngày đất nước thực thi đường lối cải cách và mở cửa. Ảnh: THX/ TTXVN

Thành quả sau 40 năm cải cách và mở cửa

Ngày 18/12, Trung Quốc đã tổ chức trọng thể hội nghị tổng kết 40 năm ngày đất nước thực thi đường lối cải cách và mở cửa - sự kiện vốn được xem là cuộc đại cách mạng thay đổi vận mệnh của dân tộc Trung Quốc, đồng thời tạo ảnh hưởng rộng lớn tới thế giới. Hội nghị diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tham gia sự kiện có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, công cuộc cải cách và mở cửa 40 năm qua đã giúp 740 triệu người dân Trung Quốc thoát được đói nghèo, giảm tỷ lệ nghèo trong dân số tới 94,4%. Tỷ lệ nền kinh tế Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới từ 1,8% vào năm 1978 lên đến mức 16% trong năm 2017, chỉ đứng sau Mỹ.

Hiện nay, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.690 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của gần 130 quốc gia và khu vực, đồng thời là thị trường nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những thành tựu về kinh tế đã giúp Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài, không chỉ ở châu Á, mà đã vươn mạnh sang cả châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ.

Có thể thấy rõ, 40 năm qua, sự phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc thực sự khiến thế giới phải nể phục. Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt sau 40 năm cải cách và mở cửa, song Trung Quốc cũng đang đứng trước nhiều vấn đề, thách thức lớn.

Vấn đề đặt ra đối với kinh tế Trung Quốc hiện nay là chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn mất cân bằng và chưa bền vững. Mặt khác, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức về vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, giữa cải cách trong nước và mở cửa đối ngoại, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược với các nước lớn hiện nay, cụ thể như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ -Trung đang diễn ra và chưa có hồi kết.

Ngay sau hội nghị tổng kết 40 năm thực hiện cải cách-mở cửa, trong ba ngày từ ngày 19-21/12, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã tiến hành hội nghị kín có tên gọi “Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương” (CEWC-2018). Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài diễn văn quan trọng, đưa ra những quyết sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2019. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí cắt giảm thuế và chi phí trên quy mô lớn hơn, tăng cường phát hành trái phiếu địa phương và đảm bảo sự cân bằng giữa thắt chặt tiền tệ và nới lỏng để đảm bảo thanh khoản hợp lý, cũng như tăng cường mở cửa trong năm tới và bảo vệ các lợi ích hợp pháp, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài.

Hội nghị CEWC-2018 được dư luận nước này và quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang leo thang cuộc chiến thương mại. Hệ quả cuộc chiến này đang ảnh hưởng trực tiếp tới hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như kinh tế toàn cầu. Các quyết sách giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đưa ra tại hội nghị này được coi là để ứng phó và thích nghi với tình hình kinh tế trong nước và cuộc chiến thương mại với Mỹ trong năm 2019.

Cuộc họp báo “đặc biệt” cuối năm tại Nga

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức cuộc họp báo thường niên cuối năm 2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay diễn ra từ 12h trưa 20/12 theo giờ Moskva kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, với số phóng viên tham dự ở mức kỷ lục – 1702 người.

Đây là lần thứ 14 Tổng thống Putin tổ chức họp báo hằng năm và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông. Giới quan sát nhận định cuộc họp báo năm nay có tầm quan trọng đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên giao lưu trực tuyến đầu tiên của Putin kể từ khi ông tái cử Tổng thống. Nó đóng vai trò như một diễn đàn quan trọng để nhà lãnh đạo Nga tiếp xúc trực tiếp với công chúng. Cuộc họp báo được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình phổ biến của Nga như “Kênh 1”, “Nước Nga 1”, “Nước Nga 24”, các đài phát thanh như “Maiak”, “Vesti FM” và “Đài phát thanh nước Nga”.

Bên cạnh những báo cáo một số thành tựu của nền kinh tế Nga trong năm thường lệ, thì cuộc họp báo cuối năm gây chú ý với những câu hỏi bất ngờ và câu trả lời thể hiện chính sách, quan điểm của Nga đối với các vấn đề quốc tế nổi cộm.

Nói đến các vấn đề trong nước, Tổng thống Putin nêu bật mục tiêu muốn Nga có bước đột phá hơn nữa trong phát triển kinh tế cũng như nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, nhằm đưa nước Nga vào nhóm 5 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Đối mặt với lệnh cấm vận của phương Tây nhằm cô lập xứ Bạch dương, nhà lãnh đạo Nga lưu ý nền kinh tế nước này đã thích ứng do “sống chung” với lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt buộc Nga phải "tính kế" phát triển theo nhiều hướng.

Về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện trong thời gian tới, mặc cho bối cảnh hai bên vẫn còn tranh cãi về việc Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tổng thống Putin cảnh báo về sự đổ vỡ hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu.

Đề cập đến quan hệ căng thẳng với Ukraine, Tổng thống Putin cũng tiết về số phận các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ tại Eo biển Kerch, đồng thời cáo buộc người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko sử dụng vụ khiêu khích trên Eo biển Kerch để thu hút sự chú ý trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn đánh giá Ukraine vẫn là đối tác kinh tế thương mại, bất chấp các hành động của chính quyền Kiev, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn tăng trong năm 2018.

Ngoài các vấn đề trên, trong buổi họp báo, nhà lãnh đạo Nga tiếp tục khẳng định thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc.

Với các vấn đề đối nội và đối ngoại được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong buổi họp báo thường niên khép lại năm 2018, có thể thấy mặc dù đang phải đối mặt với vô số khó khăn, thách thức nhưng nước Nga dưới sự chèo lái của Tổng thống Vladimir Putin đã vượt qua mọi khó khăn để lấy lại vị thế và giành lại được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Một công dân Trung Quốc nghi đánh cắp bí mật thương mại Mỹ trị giá hơn 1 tỷ USD
Một công dân Trung Quốc nghi đánh cắp bí mật thương mại Mỹ trị giá hơn 1 tỷ USD

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã bắt giữ một công dân Trung Quốc được cho là đã đánh cắp các bí mật thương mại liên quan một sản phẩm có trị giá hơn 1 tỷ USD từ một công ty dầu mỏ của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN