Đánh bom đẫm máu tại Sri Lanka
Đã một tuần trôi qua kể từ loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Sri Lanka khiến ít nhất 253 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương, tình hình an ninh ở đảo quốc Nam Á này vẫn hết sức đáng báo động.
Vào 21/4 đúng ngày lễ Phục sinh, hàng loạt vụ nổ liên tiếp xảy ra tại các nhà thờ và khách sạn ở thủ đô Colombo, Sri Lanka và các vùng phụ cận. Đây được coi là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở quốc gia này trong vòng một thập niên.
Quân đội và cảnh sát Sri Lanka đang tăng cường chiến dịch truy tìm thủ phạm của loạt vụ tấn công. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ tấn công nhưng động cơ cụ thể của những kẻ khủng bố vẫn đang được khẩn trương điều tra.
Bên cạnh đó, Chính phủ Sri Lanka cũng cáo buộc 2 nhóm Hồi giáo trong nước là National Thowheeth Jama'ath (NTJ) và Jammiyathul Millathu Ibrahim liên quan đến vụ tấn công. Lực lượng chức năng Sri Lanka đã bắt giữ trên 100 người tình nghi và ráo riết truy tìm thêm 140 đối tượng liên quan khác.
Việc những kẻ tấn công chọn nhà thờ công giáo và khách sạn hạng sang, nơi có đông khách nước ngoài lưu trú là mục tiêu, đã đặt ra khả năng là vụ việc này có mục đích gây mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc ở Sri Lanka.
Lo ngại nguy cơ xảy ra thêm vụ khủng bố khác, giới chức Sri Lanka hối thúc những người theo đạo Hồi tiến hành lễ cầu nguyện tại nhà riêng, trong khi đó giới lãnh đạo Công giáo quyết định hủy vô thời hạn các buổi lễ vào chủ nhật. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka và toàn bộ nhà thờ Thiên chúa giáo cả nước cũng đã được lệnh đóng cửa và ngừng mọi hoạt động cho đến khi an ninh được cải thiện.
Điều đáng nói ở đây là các vụ tấn công khủng bố đã làm bộc lộ những yếu kém trong hệ thống tình báo và an ninh của Sri Lanka.
Trước đó, các thông tin tình báo nước ngoài đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ đánh bom liều chết do nhóm NTJ tiến hành nhằm vào các nhà thờ nổi tiếng. Tuy nhiên, thông tin này đã không được báo cáo với Thủ tướng Sri Lanka và các bộ trưởng hàng đầu khác.
Điều này dẫn tới cuộc tranh cãi về việc cơ quan an ninh Sri Lanka đã không có hành động ngặn vụ tấn công mặc dù đã nhận được thông tin trước đó. Chính phủ Sri Lanka thừa nhận đã có sai sót lớn trong việc này. Bộ trưởng Quốc phòng và Cảnh sát trưởng Sri Lanka ngày 25/4 thông báo từ chức.
Hai nhà lãnh đạo Nga-Triều Tiên gặp mặt lần đầu
Trong hai ngày 25-26/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm Nga và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga.
Mặc dù không có tuyên bố chung cũng không ký kết văn kiện chung, song cuộc hội đàm kín kéo dài gấp đôi thời gian so với dự kiến và những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau hội nghị thượng đỉnh đã cho thấy cuộc gặp diễn ra tốt đẹp.
Tại hội nghị, liên quan đến quan hệ song phương, nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng đưa quan hệ với Moskva ổn định hơn và mạnh mẽ hơn, để từ đó tìm một lối thoát cho nền kinh tế bị kiềm tỏa của Bình Nhưỡng. Đáp lại, Tổng thống Putin tin tưởng chuyến thăm của ông Kim Jong-un sẽ tạo bước đệm cho các quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước.
Liên quan đến vấn đề đàm phán hạt nhân, hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề. Tổng thống Putin cho biết ông ủng hộ đối thoại liên Triều và bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Nga sẽ giúp hai bên hiểu rõ cách thức đạt được giải pháp cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Nga cũng hoan nghênh các nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều.
Kết thúc cuộc gặp mặt, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã mời Tổng thống Putin thăm Bình Nhưỡng vào thời điểm thuận tiện và lời mời đã được chấp thuận một cách vui vẻ.
Tổng thống Nga Putin cho biết sẽ thông báo đến lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ về kết quả hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo giới phân tích, việc Triều Tiên tìm đến Nga trong bối cảnh hiện nay có thể coi như thông điệp mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn gửi tới nhiều bên, kể cả Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc, rằng Bình Nhưỡng luôn có mọi lựa chọn thay thế. Thông qua việc củng cố quan hệ với Nga, Triều Tiên mong muốn vị thế trên bàn đàm phán hạt nhân với Mỹ có thể tăng thêm sức nặng, cũng như giúp Triều Tiên giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, ít nhất là về mặt kinh tế.
Về phần mình, Nga coi Triều Tiên là một nhân tố quan trọng trong việc triển khai chính sách hướng Đông, với các dự án liên Triều về cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng như kết nối với hệ thống đường sắt liên Triều, đường ống khí đốt từ Nga sang Bán đảo Triều Tiên… Các dự án này từ trước đến nay luôn bị đóng băng do căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Đây là cuộc gặp riêng đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Kim Jong-un cầm quyền năm 2011. Với kết quả đạt được, Nga và Triều Tiên đã tạo được nền móng đầu tiên, mở ra hướng tháo gỡ thế bế tắc mà việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đang gặp phải.