Rắc rối luận tội tổng thống
Các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ ngày 4/10 gửi trát đề nghị Nhà Trắng cung cấp các tài liệu liên quan đến những cáo buộc cho rằng Tổng thống Donald Trump gây sức ép đối với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhằm hạ uy tín của ông Joe Biden – đối thủ lớn thuộc phe Dân chủ trong mùa bầu cử năm 2020 – và con trai là doanh nhân Hunter Biden.
Yêu cầu trên được đưa ra sau khi ba ủy ban của Hạ viện phụ trách vụ điều tra gửi thư đề nghị cung cấp tài liệu của Phó Tổng thống Mike Pence để phục vụ quá trình điều tra luận tội ông Trump cũng như cuộc nói chuyện của ông với Tổng thống Ukraine.
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ, ông Elijah Cummings yêu cầu Nhà Trắng bàn giao loạt văn bản và ghi âm cuộc nói chuyện liên quan đến cuộc gọi ngày 25/7 của ông Trump với nhà lãnh đạo Ukraine, cùng với những nỗ lực do luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giuliani thực hiện để ép buộc Ukraine mở cuộc điều tra ông Joe Biden và Burisma – công ty tuyển dụng Hunter Biden.
Trong một tuyên bố, các chủ tịch của ba ủy ban Tình báo, Đối Ngoại và Giám sát của Hạ viện nêu rõ: “Nhà Trắng đã từ chối đáp ứng những yêu cầu từ các ủy ban của chúng tôi về việc tự giác cung cấp tài liệu phục vụ điều tra. Sau gần 1 tháng bế tắc, rõ ràng Tổng thống Trump đã lựa chọn con đường thách thức, cản trở và che giấu. Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc rằng Tổng thống Trump đặt chúng tôi và đất nước vào tình thế này, song những hành vi của ông ấy đã khiến chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đề nghị hợp tác điều tra”.
Các ủy ban nói trên đã gửi một bức thư tới Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney đề nghị ông này chuyển tài liệu cho họ trước ngày 18/10.
Tuy nhiên, phía Nhà Trắng đã đánh giá thấp trát yêu cầu trên. “Tờ trát chẳng thay đổi điều gì – chỉ thêm yêu cầu cung cấp tài liệu, lãng phí thời gian và thuế của người dân và cuối cùng cho thấy Tổng thống Trump chẳng làm gì sai trái”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham tuyên bố.
Việc ba chủ tịch ủy ban Hạ viện gửi thư yêu cầu đến Phó Tổng thống Pence gửi tài liệu trước ngày 15/10 cho thấy ông cũng có thể phải nhận trát nếu như không tự nguyện cung cấp các văn bản phục vụ điều tra.
Tháng trước, thay vì đến Warsaw để gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Trump quyết định ở Mỹ để theo dõi thiệt hại do bão Dorian gây ra, đồng thời cử ông Pence đi thay thế và gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Ukraine. Động thái này đã đặt ông Pence vào tâm điểm của sự việc lùm xùm dẫn đến cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ hiện nay.
Người phát ngôn của Phó Tổng thống Mike Pence đánh giá lá thư của đảng Dân chủ “không phải lời đề nghị nghiêm túc”.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng bắn tín hiệu cho thấy không có ý định hợp tác với Hạ viện trong cuộc điều tra. Ông chủ Nhà Trắng hôm 4/10 cho hay ông sẽ gửi thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về vấn đề trên. Các luật sư của ông đang soạn thảo lá thư khẳng định họ không phải xuất trình tài liệu cho đến khi toàn bộ Hạ viện bỏ phiếu để mở điều tra luận tội, điều mà bà Pelosi từng nói là không cần thiết theo quy định của Hạ viện.
Ngày 3/10, Tổng thống Donald Trump đã công khai nói rằng Trung Quốc nên điều tra ông Joe Biden. Theo ông, cả Trung Quốc và Ukraine đều nên để ý đến ứng cử viên tổng thống Biden và con trai của ông là doanh nhân Hunter Biden, đồng thời mô tả cuộc điều tra luận tội chống lại mình là "chuyện nhảm nhí". Ông nói: "Trung Quốc cần bắt đầu một cuộc điều tra vào nhà Biden vì những gì đã xảy ra tại Trung Quốc cũng tệ như đã xảy ra tại Ukraine".
Mỹ - Triều Tiên nối lại đàm phán
Ngày 5/10 tại Thụy Điển, Mỹ và Triều Tiên đã nối lại đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên sau nhiều tháng chìm trong sự bế tắc.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin sự kiện mới nhất này đánh dấu cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai bên sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận vì những bất đồng lớn.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Myong-gil đã gặp nhau tại trung tâm hội nghị Villa Elfvik Strand ở Lidingo, phía Đông Bắc thủ đô Stockholm.
Hai ông đã trao đổi các quan điểm cơ bản. Khi được hỏi liệu có lạc quan hay không về cuộc đàm phán, đại diện phía Triều Tiên ông Kim Myong-gil trả lời phóng viên: “Hãy cùng chờ xem”.
Một ngày trước, phó trưởng đoàn đàm phán của hai nước là ông Mark Lambert và Kwon Jong-gun đã có cuộc liên lạc sơ bộ ở ngoại ô Stockholm để thảo luận về các vấn đề hành chính cho việc nối lại đàm phán chính thức. Phiên họp trước đàm phán được cho là "thân mật và hiệu quả".
Cuộc đàm phán hạt nhân mới này sẽ tập trung vào cách thức để đạt được tiến bộ thực chất trong việc thực hiện thỏa thuận mang tính bước ngoặt mà hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un đạt được trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 6 năm ngoái.
Thỏa thuận trên bao gồm một loạt cam kết xây dựng quan hệ song phương kiểu mới, thực hiện các nỗ lực chung để xây dựng nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như tiến tới “phi hạt nhân hóa toàn diện” khu vực này.
Tiến triển rõ ràng từ các cuộc đàm phán mới nhất dự kiến sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh thứ ba giữa ông Trump và ông Kim. Trước đàm phán cấp chuyên viên ngày 5/10, trưởng phái đoàn Triều Tiên Kim Myong-gil cho biết ông đặt niềm hy vọng và lạc quan cao vào sự kiện này.
Trong những tuần gần đây, các thông điệp mà giới chức Mỹ đưa ra cũng làm tăng sự lạc quan về một thỏa hiệp với Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump đã đưa ra những tuyên bố ẩn chứa thông điệp ông hoanh nghênh Bình Nhưỡng gọi điện thoại bàn bạc về “một biện pháp tính toán mới”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng lặp lại quan điểm tương tự, chẳng hạn như có “một tương lai tươi sáng” về đất nước Triều Tiên phi hạt nhân.
Dẫn nguồn hai quan chức Mỹ, tạp chí Time cho biết ông Trump đã chuẩn bị đề nghị với ông Kim Jong-un về việc đình chỉ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với ngành xuất khẩu dệt may và than đá của Triều Tiên trong 3 năm nếu Bình Nhưỡng đồng ý dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng thời ngừng làm giàu urani.