Thế giới tuần qua: Công ty Trung Quốc kiện Chính phủ Mỹ, Venezuela leo thang căng thẳng

Việc tập đoàn Huawei (Trung Quốc) đâm đơn kiện Mỹ và Venezuela rơi vào tình cảnh chìm trong bóng tối do mất điện diện rộng là những tin tức được quan tâm đặc biệt trong tuần qua.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng của Huawei tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Khi một tập đoàn nước ngoài kiện Chính phủ Mỹ

Ngày 7/2, Huawei tuyên bố đã kiện Chính phủ Mỹ do Nhà Trắng từ tháng 8/2018 cấm nhân viên, cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị của tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc này.

Tờ Aljazeera cho biết Chính phủ Mỹ nghi ngờ Huawei là công cụ gián điệp của Chính phủ Trung Quốc.

Lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ trong năm 2018 đều nhận định rằng các sản phẩm của Huawei gây rủi ro an ninh đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không sử dụng điện thoại của công ty này.

Trong khi đó, Chủ tịch của Huawei là Guo Ping đã bác bỏ nghi ngờ trên và nhấn mạnh rằng Nhà Trắng chưa hề đưa ra được bằng chứng nào liên quan tới cáo buộc.

Huawei đã nộp đơn kiện tại Tòa án địa hạt ở Plano, bang Texas nơi tập đoàn này đặt trụ sở đại diện ở Mỹ. Huawei khẳng định tập đoàn này đã không có cơ hội được tự vệ trước lệnh cấm của Mỹ. Bên cạnh đó Huawei cho rằng lệnh cấm của Mỹ trái với luật pháp.

Nhiều nhà phân tích pháp lý cho rằng đây là bước khởi đầu trong kế hoạch lấy lại hình ảnh của Huawei khi ngày càng có nhiều nghi vấn về mối quan hệ giữa tập đoàn này và Chính phủ Trung Quốc.

Giáo sư luật tại Đại học New York – ông Jerome A Cohen nhận định: “Mặc dù Huawei khó có thể giành phần thắng nhưng vụ kiện này buộc Chính phủ Mỹ phải công bố thêm chi tiết về lệnh cấm”.

Sau lệnh cấm của Mỹ, Australia và New Zealand cũng “nối bước” yêu cầu cơ quan, nhân viên chính phủ không sử dụng sản phẩm của Huawei.

Bên cạnh đó, Huawei cũng “dấn thân” vào đấu tranh pháp lý với Chính phủ Canada liên quan tới vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính đồng thời là con gái của nhân vật sáng lập tập đoàn Huawei- theo yêu cầu của Mỹ trong tháng 12/2018.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/3, Thứ trưởng Bộ Thương Mại Trung Quốc Wang Shouwen cho biết Bắc Kinh và Washington vẫn làm việc ngày đêm để đạt được một thỏa thuận thương mại phù hợp với lợi ích của hai quốc gia và đáp ứng kỳ vọng của thế giới.

Theo giới quan sát, dù tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc, song các vụ việc như của Huawei cũng cho thấy cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều "điểm nóng". Một thỏa thuận đạt được vào thời điểm này có lẽ chưa thể giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, mà chỉ mang tính hòa hoãn tạm thời.

Venezuela thiếu điện

Chú thích ảnh
Một cửa hàng tối om do mất điện tại Caracas. Ảnh: AP

Trong hai tối liên tiếp, 7-8/3, nhiều bang tại Venezuela chìm trong bóng tối do mất điện diện rộng, gây ảnh hưởng lớn tới giao thông, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết mất điện đã ảnh hưởng tới thủ đô Caracas và 21 trên 23 bang tại Venezuela.

Các phương tiện công cộng tại thủ đô Caracas không thể hoạt động, trong khi đó bệnh viện gặp nhiều khó khăn để vận hành. Chính phủ Venezuela đã buộc phải cho các trường học nghỉ và công sở tạm ngưng hoạt động sau khi Caracas và nhiều thành phố khác mất điện vào hôm 8/3.

Dưới đây là hình ảnh thủ đô Caracas khi mất điện (nguồn video: RT)

Giới chức trách Venezuela đánh giá mất điện diện rộng là động thái chống phá chính phủ. Bộ trưởng Điện lực Luis Motta Dominguez gọi đây là “chiến tranh năng lượng”. Bộ trưởng Dominguez cho rằng đập thủy điện Guri – nơi cung cấp 80% điện cho Venezuela - đã trở thành “nạn nhân” trong cuộc tấn công này.

Chính phủ Venezuela tố cáo vụ phá hoại gây mất điện diện rộng trên toàn lãnh thổ nước này hôm 7/3 bắt nguồn từ cuộc tấn công vào Hệ thống Điều khiển tự động (ARDA) ở nhà máy thủy điện Guri thuộc bang Bolivar.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez cáo buộc một số đối tượng cực đoan tại Mỹ và phe đối lập Venezuela đứng đằng sau vụ phá hoại này nhằm gây hỗn loạn tình hình chính trị - xã hội quốc gia Nam Mỹ này.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy đây là một cuộc tấn công từ xa nhằm vào mạng lưới điện tử của ARDA, một trung tâm đầu não vi tính hóa có nhiệm vụ điều khiển 20 tổ máy phát ở Guri có nhiệm vụ cung cấp 80% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ lãnh thổ Venezuela.

Tổng thống Maduro ngày 7/3 đã đăng trên mạng xã hội Twitter: “Cuộc chiến tranh năng lượng mà Mỹ tuyên chiến và chỉ đạo chống lại người dân Venezuela sẽ thất bại. Không có ai và điều gì có thể thắng người dân của Bolivar và cố lãnh đạo Hugo Chavez”.

Trước cáo buộc này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố: “Khủng hoảng điện và những khó khăn của người dân Venezuela hiện nay không phải do Mỹ”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hai chiếc 737 MAX 8 rơi thảm khốc trong hơn 4 tháng, nhiều câu hỏi đang xoáy vào Boeing
Hai chiếc 737 MAX 8 rơi thảm khốc trong hơn 4 tháng, nhiều câu hỏi đang xoáy vào Boeing

737 MAX 8 là một trong những mẫu máy bay mới nhất của Boeing, nhưng chỉ trong hơn 4 tháng qua, 2 tai nạn thảm khốc với kịch bản tương tự đã xảy ra với loại máy bay này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN