Tình bạn Trump - Macron 'rạn nứt'
Chuyến thăm Pháp kéo dài 2 ngày vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Thế chiến I kết thúc bị phủ bóng bởi những bất đồng, chỉ trích cũng như sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và các đồng minh châu Âu.
Trong thời gian chưa đầy 48 tiếng ở Pháp, việc Tổng thống Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron “lời qua tiếng lại” cho thấy sự thay đổi đáng kể về mức độ mối quan hệ từng được cho là thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo này. Một trong những cố vấn của Tổng thống Pháp ngày 13/11 nói rằng quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo "không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng lại bền vững".
Từ đầu chuyến đi khi đang trên chuyến bay tới Paris, thông qua trang mạng Twitter Tổng thống Trump đã chỉ trích đề xuất thành lập quân đội riêng châu Âu của người đồng cấp Pháp Macron, cũng như tuyên bố châu Âu trước tiên nên nộp khoản đóng góp công bằng của họ cho NATO.
Không kém cạnh, ngay trước mặt các nhà lãnh đạo thế giới và người dân tới dự lễ kỷ niệm, Tổng thống Pháp Macron “dội gáo nước lạnh” vào Tổng thống Trump khi chỉ trích chủ nghĩa dân tộc “Nước Mỹ trên hết”, so sánh nó với lập trường đã từng khiến châu Âu khốn đốn trong các cuộc xung đột vào đầu thế kỷ 20 và cho rằng chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lại lòng yêu nước.
Không hài lòng trước lời chỉ trích từ người đồng cấp Macron, ngay khi trở về nước từ Pháp, Tổng thống Trump ngày 13/11 viết trên Twitter rằng ông Macron có “mức tín nhiệm rất thấp” và mỉa mai “chủ nghĩa bảo hộ của Pháp” về chính sách đánh thuế rượu vang Mỹ. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cáo buộc Tổng thống Trump thiếu "tôn trọng chung”. Đây là phản ứng mạnh nhất của Chính phủ Pháp trước sự chỉ trích đáng kinh ngạc của ông Trump đối với ông Macron.
Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Trump trước đó được cho là cơ hội để ông giải quyết những bất đồng với các đồng minh. Tuy nhiên, chuyến đi này không những cho thấy hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và các đối tác ở châu Âu vẫn chưa có cách gì san lấp mà còn báo hiệu mâu thuẫn ngày càng nặng nề hơn.
Khủng hoảng chính trị Anh vì Brexit
Dự thảo thỏa thuận Brexit mới đạt được tưởng chừng đã mở lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm qua giữa Anh và EU, nay lại tạo ra một đợt sóng mới trên chính trường Anh.
Bốn bộ trưởng Anh, bao gồm Bộ trưởng các vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Brexit Suella Braverman và Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Esther McVey, tuyên bố từ chức không lâu sau khi Thủ tướng Theresa May nói đã thuyết phục thành công Nội các chấp nhận dự thảo thỏa thuận Brexit. Lý do từ chức họ viết trong đơn rằng thỏa thuận Brexit có nguy cơ làm chia rẽ nước Anh, cũng như họ không thể ủng hộ một thỏa thuận về kế hoạch dự phòng không có thời hạn kết thúc.
Tuy nhiên, bất chấp một loạt Bộ trưởng từ chức, Thủ tướng May ngày 15/11 tuyên bố tại một cuộc họp báo thỏa thuận Brexit vẫn tiếp tục, và Anh sẽ rời EU từ ngày 29/3/2019. Bà phản đối một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.
Sau khi nhận được sự ủng hộ của Nội các Anh, bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần phải được Quốc hội Anh thông qua, song giới quan sát dự báo đây sẽ là một tiến trình đặc biệt khó khăn, khi dự thảo kế hoạch Brexit của Thủ tướng May có thể sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước.
Tương lai thỏa thuận Brexit không những “mù mịt” mà chức vị Thủ tướng của bà Theresa May cũng có khả năng bị “soán ngôi”. Theo truyền thông Anh, Quốc hội nước này đã nhận được đủ 48 kiến nghị từ các nghị sĩ và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Anh Theresa May sẽ sớm diễn ra. Nhà lãnh đạo Anh có nguy cơ phải từ chức nếu 158 trong số 315 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bà.
Trong buổi phỏng vấn với Sputnik, ông Alexander Mercouris – Tổng biên tập báo Duran - nhấn mạnh còn có một nguy cơ to lớn hơn ngoài việc các bộ trưởng đơn giản là từ chức. “Hiện giờ sẽ xuất hiện những động thái có phối hợp trong đảng Bảo thủ để thách thức khả năng lãnh đạo của bà May. Nếu Thủ tướng đối mặt với thách thức đó, và rõ ràng không có ai có thể tiếp bước bà – thì điều này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn, trong đó khả năng lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn sẽ can thiệp và trở thành tân Thủ tướng”.