Nhiều nước tiếp tục "gồng mình" chống COVID-19
Chỉ trong ngày 7/1 đã có trên 4.000 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Mỹ. Đây được coi là ngày chết chóc nhất của Mỹ vì dịch COVID-19 tính đến nay. Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do COVID-19.
Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố sẽ thiết lập chương trình tiêm vaccine tích cực hơn với mục tiêu đề ra là 100 triệu liều trong 100 ngày đầu ông chính thức nhận nhiệm vụ mới. Hiệp hội Bệnh viện Mỹ ước tính nước này cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 1,8 triệu người/ngày từ 1/1 đến 31/5 để đạt mục tiêu 75% dân số được tiêm.
Hãng thông tấn AP đưa tin nghiên cứu mới cho thấy vaccine phòng COVID-19 do các công ty dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) điều chế có thể “đối đầu” được với một đột biến then chốt của biến thể mới virus SARS-CoV-2. Có 2 biến thể virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Anh và Nam Phi nhưng chúng có chung đột biến. Kết quả thử nghiệm ban đầu được đăng ngày 7/1 cho thấy các nhà nghiên cứu của Pfizer nhận định rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 chưa thể cản vaccine. Tuy nhiên các chuyên gia khác chưa đánh giá thử nghiệm này.
Tại Trung Quốc, chỉ một năm sau khi thành phố Vũ Hán phong tỏa để kiểm soát dịch, 11 triệu người dân tại thành phố Thạch Gia Trang tại tỉnh Hà Bắc cũng phải áp dụng biện pháp tương tự. Thành phố Thạch Gia Trang đã ghi nhận 120 ca mắc mới trên địa bàn.
Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch COVID-19 và đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một tháng tại Tokyo. Thủ tướng Yoshihide Suga cũng cảnh báo biện pháp hạn chế có thể mở rộng sang nhiều khu vực khác của Nhật Bản. Điều này dự kiến gây ảnh hưởng đến kinh tế của Nhật Bản vốn đang khởi động quá trình hồi phục.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần này nhấn mạnh “thế giới đang bước sang giai đoạn dịch bệnh mới và sự đoàn kết là rất cần thiết. Chúng ta đang trong cuộc đua để cứu mạng sống của người dân”.
Ngày 6/1, Liên minh châu Âu (EU) chính thức cấp phép lưu hành vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) phát triển. EU cũng đảm bảo hợp đồng mua 160 triệu liều Moderna đủ để tiêm cho 80 triệu người dân thuộc khối.
Điện Capitol "thất thủ"
Cuộc “đại náo” tòa nhà Quốc hội Mỹ của người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump ngày 6/1 được coi là sự kiện chưa từng có tiền lệ.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump chủ đích muốn đảo ngược kết quả bầu cử 3/11, buộc Quốc hội ngưng kiểm phiếu đại cử tri. Thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đang kiểm phiếu đại cử tri để xác nhận kết quả bầu cử mà chiến thắng thuộc về ông Joe Biden.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ bạo loạn, cảnh sát tuyên bố tòa nhà Quốc hội an toàn và lưỡng viện tiếp tục quy trình kiểm phiếu đại cử tri. Hiệp hội Lịch sử Điện Capitol Mỹ cho biết đây là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất vào tòa nhà này kể từ khi quân đội Anh phóng hỏa công trình năm 1814.
Sáng 6/1, Tổng thống Trump đã khuyến khích người biểu tình đến khu vực Điện Capitol. Tuy nhiên, vài giờ sau đó, khi xảy ra hỗn loạn, ông Trump đăng trên mạng xã hội Twitter: “Tôi đề nghị mọi người tại Điện Capitol duy trì bình tĩnh. Không bạo lực!”.
Đã có 4 người thiệt mạng trong vụ việc. Cảnh sát bắt giữ 68 người liên quan đến vụ bạo loạn, trong đó có 41 người bị bắt ngay tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tìm kiếm thông tin về những người kích động bạo lực tại Tòa nhà Quốc hội ngày 6/1. Một số kẻ bạo loạn đã bị bị bắt giữ.
Dưới đây là video cảnh tượng ngổn ngang tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ sau vụ việc (nguồn: AP):
Nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng về cuộc bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi người Mỹ tôn trọng kết quả cuộc bầu cử ngày 3/11/2020. Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đồng cấp Đức Angela Merkel và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong khi đó lên tiếng phản đối hành vi gây bạo loạn của người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump.
Đến ngày 8/1, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ không sự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm Joe Biden. Trong một đoạn video ghi hình tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ: “Thời kỳ của chính quyền mới sẽ bắt đầu từ 20/1. Điều tôi cần tập trung hiện nay là đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách có trật tự, suôn sẻ và trơn tru”.
Hàng nghìn thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia được điều động đến Washington vào cuối tuần này và duy trì nhiệm vụ cho đến ngày tổ chức lễ tuyên thệ của ông Joe Biden.