Trung Quốc dỡ bỏ biện pháp phòng dịch COVID-19
Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và gỡ bỏ quy định cách ly vào ngày 8/1/2023 sau một loạt quyết định nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19. Động thái này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc từ bỏ chiến lược “zero-COVID” chuyển sang sống chung với virus SARS-CoV-2.
Ngày 26/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ra thông báo chính thức đổi tên “bệnh viêm phổi do virus SARS-CoV-2” thành “bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2”. Theo thông báo này, Chính phủ Trung Quốc đã chấp thuận hủy bỏ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm cấp độ A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của đất nước.
Ngay sau đó, NHC đã tuyên bố hủy bỏ các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh vào nước này. Người nhập cảnh vào Trung Quốc chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 tiếng trước khi khởi hành.
Ngoài ra, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng hủy bỏ các biện pháp kiểm soát và hạn chế số lượng các chuyến bay chở khách quốc tế, cũng như yêu cầu hạn chế, giãn cách chỗ ngồi trên máy bay.
Trung Quốc khẳng định tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp tạo thuận lợi về thị thực cho người nước ngoài đến Trung Quốc làm việc, đầu tư, kinh doanh, học tập, thăm thân, đoàn tụ. Nước này cũng từng bước khôi phục việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy, khôi phục các hoạt động du lịch nước ngoài của công dân Trung Quốc.
Những động thái trên đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới sau gần 3 năm kiên trì chính sách “zero COVID-19”, để mở cửa trở lại hoàn toàn với thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc các hoạt động đi lại, giao thương, trao đổi con người và hàng hóa giữa Trung Quốc và thế giới sẽ sớm được khôi phục như trước khi đại dịch bùng phát.
Sau 3 năm cách ly hoàn toàn với thế giới, người dân trên khắp Trung Quốc đã vô cùng háo hức khi cuộc sống bình thường sắp quay trở lại. Nhiều người đã lên kế hoạch du lịch, đổ xô tìm kiếm thông tin về các địa điểm, những chuyến bay quốc tế trước khi biên giới mở cửa, ngay cả khi tình trạng lây nhiễm đang gia tăng.
Tuy nhiên, động thái nới lỏng chính sách phòng dịch của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo xuất hiện biến thể virus mới. Tiến sĩ Stuart Campbell Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, nhận định: “Trung Quốc có dân số rất đông trong khi khả năng miễn dịch còn hạn chế. Và đó dường như là bối cảnh khiến một biến thể mới bùng phát”.
Theo ông, Trung Quốc hiện nay, mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng được báo cáo chung là khá cao, nhưng mức độ tiêm nhắc lại thấp hơn, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Trong khi đó, khả năng miễn dịch của nhiều người tiêm chủng từ năm ngoái đã suy yếu. Và những điều kiện đó chính là mảnh đất màu mỡ để virus hình thành các đột biến mới.
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với du khách đến từ Trung Quốc do đợt bùng phát nghiêm trọng ở nước này hiện nay.
Italy hôm 29/12 kêu gọi các nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) áp hạn chế với người từ Trung Quốc song Pháp, Đức và Bồ Đào Nha cho biết họ thấy không cần thiết phải áp đặt biện pháp mới, trong khi Áo nhấn mạnh lợi ích kinh tế khi du khách Trung Quốc quay trở lại châu Âu.
Trước những lo ngại này, ông Xu Wenbo, Giám đốc Viện kiểm soát virus tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, ngày 27/12 khẳng định không phát hiện biến chủng mới nào của Delta hay Omicron xuất hiện ở nước này.
“Từ tháng 12, chúng tôi phát hiện 9 dòng phụ của SARS-CoV-2 lưu hành ở Trung Quốc, tất cả đều là chủng phụ của Omicron. Dòng phụ BA.5.2 và BF.7 của Omicron vẫn chiếm ưu thế, chiếm 80% số ca nhiễm”, ông nói.
Giá rét càn quét khắp thế giới
Từ châu Á tới châu Mỹ, những cơn bão tuyết mùa đông, kéo theo các trận gió rít đã càn quét nhiều quốc gia trên thế giới, làm gián đoạn cuộc sống của người dân và khiến nhiều người thiệt mạng.
Tại Mỹ, Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) cho biết nhiệt độ giảm sâu kết hợp với gió mạnh gây nguy hiểm cho những người đi đường, người làm việc ngoài trời, gia súc và thú cưng trong nhà. Giới chức Mỹ cho biết đến nay đã có ít nhất 50 người thiệt mạng do đợt thiên tai giá rét lần này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tình hình rất nguy hiểm, bởi đây là “hiện tượng thời tiết đặc biệt nghiêm trọng”. Nhiều người dân đã bị mắc kẹt trên đường cao tốc do tuyết rơi quá dày và họ không thể chờ tới lúc được giải cứu. Công tác cứu hộ đã trở nên phức tạp hơn nhiều do lực lượng chức năng không thể tiếp cận hiện trường.
NWS ước tính khoảng 60% người dân Mỹ chịu ảnh hưởng từ bão tuyết. Một số thành phố lớn của Mỹ đã ghi nhận mùa Giáng sinh lạnh nhất trong nhiều thập niên qua, như Miami, Tampa, Orlando và West Palm Beach tại bang Florida trải qua mùa Giáng sinh lạnh nhất kể từ năm 1983.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul nhấn mạnh đây là trận bão tuyết tàn khốc nhất trong lịch sử Buffalo, thành phố thường phải hứng chịu nhiều trận bão lớn.
Đối với những người vô gia cư sống trên đường phố, cuộc sống của họ vô cùng khó khăn trong những ngày này vì phải đương đầu với cái lạnh có thể đe dọa tới tính mạng.
Bà Courtney Dodds, đại diện Tổ chức từ thiện Union Gospel Mission, cho biết: “Sống ngoài vỉa hè trong thười tiết khắc nghiệt thế này là vô cùng khó khăn. Không phải ai cũng ý thức được mức độ nguy hiểm của nó. Quấn chăn nằm co ro, người vô gia cư có thể rất dễ ngủ gật, họ bị hạ thân nhiệt và tử vong vì giá rét”.
Không chỉ có Mỹ, những ngày qua nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Nga, Ukraine, Kazakhstan, Cộng hoà Séc, Canada… cũng đang chìm trong các đợt giá rét, những cái lạnh thấu xương, những cơn bão tuyết, tình trạng mất điện và những chuyến bay bị hủy.
Tại Ukraine, khi ánh nắng tắt dần, người dân cũng phải đối mặt với bóng tối lạnh lẽo. Nhiều người phải sống trong tình trạng không khí đốt, điện nước suốt nhiều ngày khi các cuộc pháo kích vào cơ sở hạ tầng của nước này ngày càng gia tăng.
Đặc biệt trong các chiến hào, các binh sĩ đang phải chống chọi với “mùa đông địa ngục”. Một binh sĩ Ukraine chia sẻ: “Mùa đông ở Donbass là địa ngục. Những đêm băng giá, nhiệt độ có thể hạ xuống mức âm 30 độ C. Gió thổi lạnh buốt!”.
Trong cái lạnh “cắt da cắt thịt” ấy, con người mới thấm thía cái giá phải trả cho những tác động tới môi trường.
Giải thích nguyên nhân của các trận bão tuyết, giá rét kỷ lục những năm qua, các nhà khoa học chỉ ra tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu và đặc biệt có sự liên quan chặt chẽ đến tình trạng ấm lên theo chu kỳ ở tâm lạnh Bắc Cực.
Theo chu kỳ khí hậu, cứ 100 năm sẽ có khoảng 5 - 6 lần Bắc Cực trải qua một đợt ấm hơn bình thường, khiến không khí lạnh bị đẩy xuống các vĩ độ thấp hơn ở phía Nam, tới Mỹ.
Với xu thế biến đổi khí hậu như hiện nay, các kỷ lục liên tục bị xô đổ và thời gian xuất hiện lại các hiện tượng cực đoan không đến cả trăm năm như trước mà rút ngắn nhiều hơn.