Thế giới tăng cường sản xuất phân kali phục vụ nông nghiệp

Các nhà xuất khẩu mặt hàng thiết yếu, quan trọng hàng đầu trong sản xuất phân bón tìm cách tăng sản lượng sau khi nguồn cung từ Nga và Belarus bị đứt gãy do trừng phạt của phương Tây.

Chú thích ảnh
Các toa xe đường sắt chở quặng potash tại một cơ sở khai thác ở Saskatchewan thuộc Canada. Ảnh: Bloomberg

Trong phần lớn thập kỉ vừa qua, thị trường potash (hợp chất kali, nguyên liệu chủ chốt để sản xuất phân bón) phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất và giá giảm. Nhưng khi lệnh cấm vận bóp nghẹt nguồn cung từ Nga và Belarus, hai nước chiếm đến 40% sản lượng phân bón toàn cầu, các nhà nhập khẩu đang phải chạy đua tìm kiếm nguồn thay thế, cùng với đó là cảnh báo ngày một rõ về khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tại Brazil, một trung tâm sản xuất nông nghiệp, giá phân bón đã tăng 185% trong vòng một năm qua, lên mức 1.100 USD/tấn. Mức tăng này tại châu Âu thậm chí còn còn cao hơn, lên 240%, tương đương với 875 euro/tấn.

Potash là loại khoáng chất có trong các bể trầm tích kali được hình thành trong quá trình bốc hơi nước biển và dịch chuyển của đáy biển trải qua hàng triệu năm. Hợp chất này rất giàu Kali, một trong ba loại chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây trồng bên cạnh nitơ và phốt pho.

Tuy nhiên, việc canh tác một loạt những cây lương thực như ngô, đậu nành, lúa, lúa mỳ đột nhiên bị đứt gãy nguồn nguyên liệu thiết yếu potash, đe dọa sản lượng trồng trọt toàn cầu. Các nhà sản xuất đang tìm cách mở rộng sản xuất khi giá potash tăng cao, cùng với đó là căng thẳng địa chính trị làm biến đổi dòng chảy thương mại truyền thống, vai trò ngày một nổi bật của an ninh nguồn cung.

BHP (Australia) đang xem xét đưa dự án tại Jansen ở Canada trị giá 5,7 tỷ USD vào khai thác trong năm 2026 thay vì năm 2027 như dự kiến. Tập đoàn khai khoáng lớn nhất toàn cầu này cũng bắt tay nghiên cứu mở rộng dự án giai đoạn hai của dự án, nâng gấp đôi công suất, lên 8 triệu tấn potash/năm.

Tại Brazil, những người cổ vũ cho dự án khai mỏ potash với mức đầu tư 2,5 tỷ USD trong khu vực rừng Amazon – dự án lớn nhất tại khu vực nếu được thông qua, đã đẩy nhanh nỗ lực để được cấp phép. Muốn có giấy phép về môi trường, công ty Brazil Potash phải thương thuyết với người bản địa.

Những công ty nhỏ hơn đang gây vốn để khởi động hoặc hoàn tất các dự án mới. Highfield Resources, một công ty niêm yết trên sản chứng khoán Australia, có kế hoạch phát triển mỏ potash ở Tây Ban Nha trong năm nay, đã tiếp cận được khoản tín dụng trọn gói trị giá 312,5 triệu euro từ các ngân hàng châu Âu. Hãng này cũng đã khởi động tiến trình đàm phán với các đối tác tiềm năng. “Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt lớn về mức độ quan tâm kể từ khi nổ ra chiến tranh ở Ukraine”, Giám đốc điều hành Highfield Resources, ông Ignacio Salazar, phát biểu.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Western Potash (Canada) cũng đã được Appian Capital cấp khoản vay 85 triệu đô-la Canada để phát triển dự án potash điểm ở Saskatchewan.

Potash tăng giá mạnh chủ yếu là do Belarus không tìm được giải pháp xuất khẩu potash ra thị trường quốc tế vì lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), liền sau đó là việc Litva phong tỏa đường sắt, cảng biển chở quặng từ Belarus. Nước này hiện chỉ xuất được khoảng 5% tổng sản lượng và chủ yếu là sang Trung Quốc.

Trong báo cáo công bố hồi năm ngoái, BHP dự báo sản lượng khai thác potash toàn cầu đạt khoảng 86 triệu tấn vào năm 2030, tăng so với mức 76 triệu tấn năm 2020. Tuy nhiên, giới phân tích hiện thừa nhận rằng rất khó để đạt được sản lượng này, bởi phần lớn các mỏ mới dự kiến đưa vào khai thác tập trung ở Nga và Belarus.

“Nếu những dự án này bị trì hoãn hoặc hủy do nguyên nhân thiếu nguồn vốn đầu tư, sẽ đến lúc chúng ta lâm vào tình cảnh mà ở đó căng thẳng nguồn cung sẽ kéo dài hơn”, Humphrey Knight, trưởng bộ phận phân tích về potash tại hãng tư vấn CRU, nhận định.

Công ty Slavkaliy (Belarus) đã buộc phải dừng dự án quy mô 2 triệu tấn potash/năm ở mỏ Nezhinsky do khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Giới phân tích trong ngành nghi ngờ số phận tương tự sẽ đến với dự án ở Talitsky do công ty Acron của Nga làm chủ đầu tư.

Theo Humphrey Knight, có khá nhiều nguy cơ liên quan đến triển vọng thị trường. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ ít có khả năng Nga và Belarus bị loại khỏi thị trường vĩnh viễn và đây là yếu tố có thể thay đổi bất ngờ liên quan đến nguồn cung. Nhưng rất khó để thay thế nguồn cung từ hai nước này trong ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh các khu mỏ potash hấp dẫn nhất thế giới đã được đưa vào khai thác trong suốt thời kỳ bùng nổ giá hàng hóa đầu những năm 2000.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (FT)
Nga và phương Tây đổ lỗi lẫn nhau gây nguy cơ khủng hoảng lương thực
Nga và phương Tây đổ lỗi lẫn nhau gây nguy cơ khủng hoảng lương thực

Phương Tây cáo buộc Nga là tác nhân gây nguy cơ khủng hoảng lương thực, còn Moskva cho rằng chính trừng phạt của phương Tây đã gây ra đứt gãy chuỗi cung lương thực trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN