Reyna trở về nhà mệt rã rời. Cô vừa trải qua một ngày dài ở Bệnh viện Đa khoa Philippines, chủ yếu là gặp hai người hiến tạng, với những quả thận có thể cứu mạng người khác. Họ cũng có thể mang lại cho cô một nguồn thu nhập thêm.
Reyna là một trong những người “săn thận” đang sục sạo khắp các cộng đồng nghèo khó ở Manila để tìm kiếm người sẵn sàng bán đi một trong hai quả thận của mình. Việc cô làm là trái phép.
Theo luật pháp Philippines, hành đông của Reyna phạm vào tội buôn bán trái phép nội tạng người, và có thể đối mặt với án tù 20 năm. Nhưng cái nghèo quay cuồng đã định nghĩa cuộc đời cô cũng đầy thách thức như nguy cơ phải "bóc lịch" hàng chục năm sau song sắt.
Reyna làm trung gian để kiếm tiền hoa hồng. Cô tìm những người hiến tiềm năng và đề nghị họ đi kiểm tra sức khỏe khi có người "đặt hàng". Mỗi lần đưa người hiến đi khám sức khỏe, cô nhận được 500 peso, tương đương khoảng 10 USD.
Các ứng viên phải vượt qua rất nhiều xét nghiệm sức khỏe và chụp chiếu X-quang trước bất kỳ ca cấy ghép nào. Quá trình này có khi kéo dài tới một năm, nhưng lại mang đến cho Reyna nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Số tiền đó đủ hấp dẫn để khiến Reyna tham gia vào hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp vốn đã phát triển ngầm nhiều thập kỷ qua ở Philippines, với “con mồi” là những người nghèo và dễ bị tổn thương.
“Chính phủ không thể thực sự ngăn chặn hoạt động này. Họ không thể ngăn những người đang có nhu cầu và những người đang tìm cách giúp hai bên gặp nhau”, Reyna nói trong căn phòng xiêu vẹo ở một trong những khu ổ chuột Manila.
"Khét tiếng" về buôn bán nội tạng
Đơn hàng mới nhất của Reyna là từ một công chức đã nghỉ hưu, đang bị suy thận tiến triển nhanh. Ông sống nhờ lọc máu và sẵn sàng trả 120.000 peso (2.300 USD) cho một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng còn sống.
“Thật không công bằng khi tôi không thể giúp một bệnh nhân đang tuyệt vọng cần người hiến tạng”, Reyna cho biết.
Philippines khét tiếng là một trong những điểm nóng toàn cầu về buôn bán nội tạng cấy ghép. Năm 2007, họ là một trong những quốc gia xuất khẩu nội tạng theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bên cạnh các nước khác như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Ai Cập và Colombia.
Sau đó, Philippines đã đưa ra một đạo luật chống buôn người nghiêm ngặt hơn vào năm 2009. Theo WHO, chính sách này góp phần làm giảm tỷ lệ ghép tạng từ người hiến tặng còn sống.
Mặc dù chính phủ Philippines đã trấn áp, khiến những kẻ buôn bán nội tạng khó khăn hơn trong khai thác tạng từ người nghèo và những người yếu thế trong xã hội, nhưng họ vẫn chưa xóa bỏ được thị trường ngầm này. Hiện nay, hoạt động buôn bán nội tạng được giao cho Hội đồng liên ngành chống buôn bán tạng (IACAT) và Bộ Y tế Philippines giám sát.
Từ đầu năm 2019 đến nay, có 51 vụ buôn bán nội tạng được theo dõi bởi Ban thư ký IACAT. Tuy nhiên, tất cả các vụ việc chỉ được lưu trữ hồ sơ và không ai trong số những người liên quan bị bắt giữ.
“Các cơ quan thực thi pháp luật đối mặt với thực tế là không có bên khiếu nại trong các vụ buôn bán nội tạng. Nạn nhân của tệ nạn này cũng không tự nhận mình là nạn nhân”, chuyên gia Coronel thuộc IACAT cho biết.
Một "bí mật mở"
Hiến tặng nội tạng là hợp pháp ở Philippines miễn là người cho và người nhận là người họ hàng ruột thịt. Luật pháp cho phép các thành viên gia đình đáp ứng các tiêu chí cụ thể về quan hệ họ hàng sẽ được hiến tặng nội tạng cho nhau. Phạm vi bao gồm cha mẹ và con cái, anh chị em, ông bà, cháu gái và cháu trai.
Việc hiến tạng bởi những người không phải họ hàng cũng được cho phép - cả với người Philippines và người nước ngoài. Tuy nhiên, người hiến phải chứng minh được rằng họ có liên quan đến cảm xúc với người nhận và hành động của họ xuất phát từ lòng vị tha. Chẳng hạn, một người bạn trai lâu năm có thể hiến thận cho bạn gái của mình; đồng nghiệp đã biết nhau trong 10 năm cũng đủ điều kiện hiến tạng.
Khi không có sự ràng buộc về tình cảm, bất kỳ ca ghép tạng nào cũng là bất hợp pháp giữa những người không phải họ hàng. Tuy nhiên, hoạt động hiến tạng vẫn diễn ra trong các bệnh viện Philippines khi nó được thương mại hóa rộng rãi. Giao dịch hiến tạng từ lâu trỏ thành một “bí mật mở” tại đảo quốc này.
Theo các quảng cáo trực tuyến, giá yêu cầu cho một quả thận có thể lên tới 500.000 peso (9.700 USD), tùy thuộc đàm phán. Giá thông thường là khoảng 200.000-300.000 peso (3.900 - 5,800 USD). Ngoài ra, người nhận phải chịu chi phí ăn uống, đi lại cho người hiến tạng tiềm năng và cả người môi giới trong quá trình kiểm tra y tế kéo dài.
Theo thống kê, có khoảng 40.000 bệnh nhân Philippines phải lọc máu mỗi năm, nhưng chỉ có 500 người có khả năng tìm được tạng thích hợp và đủ tiền chi trả cho phẫu thuật ghép. Chi phí cho một ca ghép thận dao động từ 600.000-1 triệu peso (11.650-19.400 USD).
Với những bệnh nhân giàu có thì tiền không thành vấn đề. Mối lo lớn nhất của họ là bản danh sách dài dằng dặc những người chờ hiến thận hợp pháp và thực tế đau đớn là họ sẽ phải lọc máu suốt phần đời còn lại.
Nỗi tuyệt vọng đã đẩy nhiều bệnh nhân thân vào hoạt động buôn bán tạng trái phép. Ít nhất 10.000 quả thận được bán ra trên toàn thế giới mỗi năm – theo tổ chức Organs Watch có trụ sở tại Mỹ.
Tại Philippines, người mua thận có cả người bản địa lần nước ngoài. Họ thường thuê trung gian tìm kiếm người hiến, làm giả giấy tờ để chứng minh quan hệ họ hàng.
Nhưng có một thực tế đau lòng là việc bán thận lấy tiền cũng không giúp đổi đời người hiến thận. Mà trường hợp Danilo là một ví dụ. Năm 2002, người đàn ông khi đó là cha của hai đứa trẻ bước vào phòng phẫu thuật tại bệnh viện St Luke’s ở Manila. Bác sĩ lấy đi một trong hai quả thận của anh rồi ghép sang một công dân Canada xa lạ.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng. Ban đầu Danilo thỏa thuận bán quả thận với giá 115.000 peso (2.200 USD), nhưng cuối cùng chỉ nhận 1.650 USD vì bị trung gian ăn bớt. Anh dùng phần lớn số tiền để mua một căn nhà ở khu ổ chuột Manila. Nhưng 9 tháng sau, một vụ hỏa hoạn bùng phát đã thiêu rụi nhà của Danilo.
Và giờ đây, 17 năm sau ca bán thận, cuộc đời Danilo không có gì thay đổi nhiều. Anh vẫn nghèo, sống trong khu ổ chuột cùng với vợ và năm đứa con.
Nếu có thể quay ngược thời gian, Danilo cho biết anh sẽ không bán thận. “Tôi thà làm việc không nghỉ còn hơn là rơi vào tình trạng luôn dễ mệt mỏi vì chỉ còn một quả thận”.