Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với 6.833.746 ca nhiễm và 201.489 ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 5.141.905 ca nhiễm và 83.433 ca tử vong; Brazil với 4.421.686 ca nhiễm và 134.174 ca tử vong.
Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 với hơn 8 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 300.000 ca tử vong. Nhiều nước trong khu vực nằm trong danh sách các nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới như Brazil, Peru, Mexico, Colombia, Argentina và Chile.
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho rằng các nước Mỹ Latinh đã bắt đầu nối lại các hoạt động công cộng và khôi phục cuộc sống thường nhật quá sớm khi mà đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và cần có sự can thiệp kiểm soát quan trọng.
Cụ thể, các ca mắc COVID-19 ở khu vực biên giới giữa Colombia và Venezuela đã tăng gấp 10 lần trong 2 tuần gần đây, trong khi các quốc đảo lớn ở Caribe như Jamaica, Bahamas, Cộng hòa Dominicana cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới cao bất thường, chưa kể số ca tử vong tại một số khu vực của Mexico, Bolivia, Costa Rica và Ecuador cũng gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo bà Etienne, chính phủ các nước cần phải nhận thức rõ việc mở cửa trở lại các hoạt động quá sớm sẽ khiến virus SARS-CoV-2 có thêm không gian để lây lan và người dân phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Bà cũng kêu gọi các nước giám sát một cách thận trọng việc nối lại các chuyến bay vì điều này có thể dẫn tới sự thụt lùi trong công tác phòng chống dịch.
Tại châu Âu, một số nước đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục. Cụ thể, Ukraine ghi nhận 3.584 ca, CH Séc với 2.139 ca, Đức 2.194 ca nhiễm mới (mức cao nhất kể từ tháng 4)...
Một số nước ở châu Âu đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Chính phủ Anh thông báo các biện pháp hạn chế mới đối với vùng Đông Bắc England, khu vực mới nhất ở nước này chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng. Theo đó, từ ngày 18/9, người dân ở vùng Đông Bắc England trong đó có các thành phố Newcastle và Sunderland sẽ không được phép giao tiếp xã hội ở bên ngoài. Các quán phục vụ ăn uống sẽ chỉ được phép phục vụ tại bàn trong khi các quán bar và câu lạc bộ phải đóng cửa sớm vào lúc 22 h.
Tại Séc, các quán bar và nhà hàng trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa từ nửa đêm đến 6h sáng, một phần trong số các biện pháp nhằm ngăn chặn đà gia tăng số ca nhiễm mới. Bên cạnh đó, học sinh từ lớp 6 trở lên cũng sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp học.
Còn Áo hạn chế số người tham gia các cuộc tụ tập trong nhà xuống 10 người. Kể từ ngày 21/9, các nhà hàng và quán bar có thể chỉ được phép phục vụ khách tại bàn và yêu cầu đeo khẩu trang được mở rộng ở những nơi trong đó có các khu chợ. Theo Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, các biện pháp hạn chế này là cần thiết để nước này tránh phải áp đặt một lệnh phong tỏa thứ hai.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge đã bày tỏ lo ngại về tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đáng báo động trên toàn "Lục địa Già", đồng thời cảnh báo việc nhiều quốc gia đang rút ngắn thời gian cách ly.
Tại châu Phi, giới chuyên gia nhận định dịch COVID-19 đạt đỉnh sớm hơn dự kiến ở nhiều nước châu lục này trái với những dự đoán trước đó. Các nhà khoa học hiện chưa rõ lý do dẫn tới hiện tượng này, nhưng có ý kiến cho rằng người dân ở một số quốc gia châu Phi đã tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm khác trước đây và điều này đã tạo ra khả năng miễn dịch để kháng COVID-19.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế ở châu Phi nhấn mạnh cần có thêm thời gian để kiểm chứng hiện tượng này vì một số chính phủ đã hạn chế công bố thông tin về tỷ lệ mắc COVID-19, trong khi nhiều quốc gia khác dù muốn cũng không thể chủ động chia sẻ thông tin dịch tễ. Hệ thống y tế của nhiều nước quá yếu kém và không đủ năng lực để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, giám sát hoặc truy vết quy mô lớn.
Nam Phi từ ngày 20/9 sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 2 hiện tại xuống cấp độ 1, sau khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đang trên đà giảm mạnh trong hơn một tháng qua.
Theo đó, Nam Phi sẽ mở cửa các đường bay quốc tế đi và đến quốc gia này cho các chuyến đi với mục đích du lịch và công cán, song vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đối với các du khách đến từ các vùng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, tất cả du khách nhập cảnh Nam Phi cần xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 72 giờ trước đó, nếu không sẽ phải cách ly theo quy định và tự chi trả mọi chi phí trong thời gian cách ly.
Lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ tiếp tục duy trì nhưng sẽ được áp dụng từ 0h đến 4h sáng, thay vì từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau như ở cấp độ 2. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những người trên đường đi làm, trên đường từ chổ làm về nhà hoặc trên đường đi cấp cứu.
Ngoài ra, người dân sẽ được phép tham gia các sự kiện như hội họp, nghi lễ, tôn giáo… song số người không được vượt quá 50% công suất tiếp nhận của địa điểm tiến hành sự kiện đó, cũng như không được vượt quá 250 người cho các sự kiện trong nhà hoặc 500 người cho các sự kiện ngoài trời.
Trong khi đó, Tanzania thông báo dỡ bỏ lệnh cấm bay thương mại đối với các hãng hàng không Kenya được áp đặt vào tháng 8 vừa qua sau khi Kenya hủy bỏ yêu cầu kiểm dịch đối với du khách Tazania.
Tại châu Á, Indonesia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Cụ thể, Indonesia ghi nhận 3.635 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 232.628 ca, trong đó có 9.222 ca tử vong, trở thành nước có số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á. Philippines có 3.375 ca nhiễm mới nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 276.289 ca, trong đó có 4.785 ca tử vong. Philippines hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất trong hơn 6 tháng qua (18 ca) và bang Victoria của Australia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất trong gần 2 tháng (28 ca).
Còn tại Hàn Quốc, tỷ lệ ca mắc COVID-19 chưa xác định được nguồn lây đã tăng lên mốc cao kỷ lục mới, chiếm 26,4% trong tổng số ca mắc mới ghi nhận 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong 2.013 ca mắc mới 4 ngày qua, có 532 ca thuộc nhóm nhiễm bệnh song chưa xác định được nguồn lây. Số ca mắc COVID-19 không thể truy dấu này ở mức cao chưa từng có kể từ khi Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) bắt đầu thu thập số liệu vào tháng 4 vừa qua.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Cơ quan Giám sát Tài chính nước này tuyên bố sẽ cho phép nhân viên các công ty tài chính được quyền tiếp cận mạng nội bộ từ xa, qua đó mở đường cho họ có thể làm việc tại nhà mà vẫn đảm bảo tính năng bảo mật.