Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 190.196 trường hợp tử vong trong tổng số 6.297.847 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 123.899 ca tử vong trong số 4.001.422 bệnh nhân và Ấn Độ đứng thứ 3 với 67.669 ca tử vong trên 3.872.670 ca bệnh.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 282.980 ca tử vong trong tổng số 7.514.827 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 216.845 ca tử vong trên 4.061.430 ca mắc bệnh. Châu Á có 100.879 ca tử vong trên 5.427.187 ca mắc COVID-19; Trung Đông có hơn 37.000 ca tử vong; châu Phi hơn 30.300 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 722 người.
Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 89 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Bỉ (với tỷ lệ 85 người), Tây Ban Nha (62 người), Anh (61 người) và Chile (59 người).
Tại châu Á, sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngày 3/9, Thái Lan đã ghi nhận ca mắc đầu tiên là một người đàn ông ở thủ đô Bangkok. Bộ Cải huấn Thái Lan cho biết người đàn ông 37 tuổi trên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đợt xét nghiệm hằng tuần. Người này từng làm DJ tại một câu lạc bộ giải trí ban đêm và trước đó không đi nước ngoài hay có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Đây là ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng tại Thái Lan kể từ ngày 26/5 vừa qua. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 tại Thái Lan được ghi nhận trong 3 tháng qua đều là các ca "nhập khẩu" và được phát hiện trong quá trình cách ly.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, các trường học ở thành phố Vũ Hán - nơi khởi phát dịch COVID-19, đã náo nhiệt trở lại khi học sinh và sinh viên từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước quay trở lại học tập. Để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương khuyến cáo các bậc cha mẹ và sinh viên tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Trước khi trở lại trường, toàn bộ sinh viên đều phải xét nghiệm, trong khi các sinh viên quốc tế phải cách ly 14 ngày. Kể từ giữa tháng 5 đến nay, Vũ Hán chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào.
Tại Australia, chính quyền bang Victoria cùng ngày thông báo số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức 3 con số - 113 ca. Thực tế này đã phủ bóng đen lên những nhận định lạc quan rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai đã được kiềm chế tại địa phương này. Theo giới chức bang Victoria, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tăng nhẹ so với 90 ca ghi nhận ngày 2/9, và nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Australia lên 26.000 ca, trong đó có 678 ca tử vong.
Thủ phủ Melbourne của bang này, cũng là thành phố lớn thứ hai của Australia, đang trong tuần phong tỏa thứ 5 của đợt phong tỏa dự kiến kéo dài trong 6 tuần. Chính quyền địa phương đã lên thời gian biểu từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 6/9 tới. Dù các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan ra ngoài bang, nhưng đang tác động nặng nề tới nền kinh tế. Các số liệu chính thức công bố ngày 2/9 cho thấy Australia đã lần đầu tiên trong 3 thập kỷ qua rơi vào suy thoái kinh tế. Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn lệnh cấm đi ra nước ngoài và du thuyền quốc tế cập cảng nước này đến giữa tháng 12 tới do lo ngại về những rủi ro mà dịch COVID-19 ở trong nước và nước ngoài gây ra.
Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Cộng hòa Séc. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 650 ca bệnh - mức cao nhất kể từ khi bùng dịch hồi tháng 3. Hiện Séc xác nhận tổng cộng 25.773 ca mắc COVID-19. Số ca tử vong do COVID-19 ở Séc đang là 425 ca, thấp hơn các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở nước này đã gia tăng trong những ngày gần đây. Chỉ trong 5 ngày kể từ ngày 26/8, Séc ghi nhận số ca mắc mới cao hơn bất kỳ ngày nào trong làn sóng dịch đầu tiên.
Đan Mạch trong 24 giờ qua cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất kể từ hồi tháng 4 -179 ca. Đất nước 5,8 triệu dân này là một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội sau khi khống chế thành công dịch bệnh. Tuy nhiên, số các ca nhiễm mới gia tăng nhanh sau đó đã làm chậm tiến trình mở cửa trở lại.
Tương tự, Áo cũng ghi nhận thêm 403 ca bệnh mới trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ ngày 3/4 vừa qua. Có tới 50% số các ca nhiễm mới của Áo là ở thủ đô Vienna. Hiện nước này đã có 28.372 bệnh nhân COVID-19, trong đó 735 người đã không qua khỏi.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon khuyến cáo chính phủ các nước không nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày phòng ngừa lây lan COVID-19 do có 3-4% số trường hợp phát hiện nhiễm bệnh sau 2 tuần. Khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Đức thông báo với giới chức EU rằng nước này có kế hoạch rút ngắn thời gian cách ly, sau khi Hà Lan và Na Uy có các động thái tương tự.
Bà Ammon cho biết số liệu trong tuần này cho thấy trên toàn châu Âu ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm 46 ca/100.000 người, hầu như trở lại số ca nhiễm hồi tháng 3 - tháng bắt đầu giai đoạn đỉnh dịch tại châu lục này. Theo số liệu của ECDC, số ca nhiễm trong tháng 3 tại châu Âu đã bắt đầu tăng mạnh lên khoảng 40 ca/100.000 người vào cuối tháng 3 và tiếp tục tăng tới khoảng 70 ca/100.000 người vào cuối tháng 4. Số ca nhiễm tăng hiện nay một phần do các nước tăng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Bà Ammon cũng cho biết các bệnh nhân trẻ tuổi chiếm phần lớn số ca nhiễm mới hiện nay, trong khi bệnh tình trở nặng ở những bệnh nhân cao tuổi - đối tượng chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh hồi tháng 3 và tháng 4 vừa qua.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, với 630.595 ca nhiễm và 14.389 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.336 ca nhiễm mới và 126 ca tử vong.
Trung tâm Phòng và kiểm dịch châu Phi (Africa CDC) cho biết đến nay các nước trong châu lục này đã tiến hành hơn 11,8 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó 10,7% ca dương tính. 5 quốc gia chiếm hơn 70% tổng số ca nhiễm của châu lục gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Nigeria và Ethiopia.