Thế giới ghi nhận trên 22,6 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 20/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 22.641.445 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 792.218 ca tử vong. Số trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh là 15.357.434 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 176.407 trường hợp tử vong trong tổng số 5.703.617 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 111.189 ca tử vong trong số 3.460.413 bệnh nhân và Ấn Độ đứng thứ 3 với 54.245 ca tử vong trên 2.858.346 ca bệnh.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 249.475 ca tử vong trong tổng số 6.412.017 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 211.775 ca tử vong trên 3.617.078 ca mắc bệnh, rồi đến Mỹ và Canada - 182.276 ca tử vong trong số 5.653.583 ca mắc bệnh. Châu Á có 83.886 ca tử vong trên 4.241.726 ca bệnh; Trung Đông có hơn 33.300 ca tử vong; châu Phi hơn 26.600 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 496 người.

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân thì lại có 86 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Peru (với tỷ lệ 81 người), Tây Ban Nha (62 người), Anh (61 người) và Italy (59 người).

Tại châu Á, giới chức Hàn Quốc đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc COVID-19 tăng ở mức 3 con số trong bối cảnh số ca lây nhiễm liên quan tới các nhà thờ ở vùng đô thị Seoul tiếp tục tăng. Ngày 20/8, nước này ghi nhận thêm 288 ca mắc, trong đó có 276 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân lên 16.346 ca. Chỉ riêng trong tuần qua Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 1.500 ca mắc mới, chủ yếu là các ca bệnh từ ổ dịch phức tạp mới phát hiện liên quan tới các nhà thờ ở Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận. 

Chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày 20/8 công bố kế hoạch cấm các cuộc biểu tình trên đường phố với sự tham gia của 10 người trở lên. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 21 - 30/8. Những người vi phạm có thể bị phạt tới 3 triệu won (hơn 2.500 USD). Nhà chức trách cũng có kế hoạch truy tố hình sự đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm Đạo luật Phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo tuần này sẽ là tuần then chốt quyết định liệu nước này có phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới hay không. Hiện Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 307 ca tử vong vì dịch bệnh, tỷ lệ tử vong là 1,88%.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Nhật Bản, lần đầu tiên trong 5 ngày qua, thủ đô Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới vượt trên 300 ca. Cụ thể, ngày 20/8, Tokyo thông báo có thêm 339 ca nhiễm mới. Chính phủ Nhật Bản đang xem xét đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 là những nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, sau khi vaccine được cấp phép sử dụng. Tất cả kinh phí tiêm chủng sẽ do chính phủ chi trả và được trích từ nguồn kinh phí dự phòng để đối phó với dịch COVID-19 đã được Quốc hội nước này thông qua. Nhật Bản về cơ bản đã đạt được thỏa thuận với các công ty dược phẩm của Mỹ và Anh về việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 và dự kiến thời điểm sớm nhất để nước này có thể triển khai tiêm chủng loại vaccine này là vào đầu năm 2021.

Chính phủ Indonesia ngày 20/8 đã quyết định tạm hoãn việc thực hiện dự án di dời thủ đô đến đảo Borneo để tập trung toàn lực đối phó với đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Chính phủ Singapore tuyên bố tính đến ngày 19/8, tất cả các khu ký túc dành cho người lao động nước ngoài tại "Đảo quốc Sư tử", trong đó tính cả các cơ sở cách ly được thiết lập riêng trong các khu  này, không còn bệnh nhân COVID-19. Khoảng 86% lao động nước ngoài trong các lĩnh vực xây dựng, hàng hải và chế biến ở Singapore đã được trở lại làm việc. Hiện tất cả những người trong các cơ sở cách ly này đã hoàn thành thời hạn cách ly hoặc được chuyển sang các cơ sở cách ly khác của chính phủ tùy theo tình trạng sức khỏe của họ.

Tại châu Đại Dương, trong ngày 20/8, bang tâm dịch Victoria của Australia tiếp tục có thêm diễn biến tích cực khi số ca mắc mới trong ngày dừng ở mức 240 ca, cao hơn không đáng kể so với mức 216 ca ghi nhận một ngày trước đó, cũng là mức thấp nhất ghi nhận trong 5 tuần qua. Những diễn biến trên càng củng cố niềm tin rằng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng từ 2 tuần trước tại vùng đô thị Melbourne đang giúp kiềm chế hiệu quả tốc độ lây lan dịch bệnh và tránh nguy cơ dịch lan rộng ra các bang khác. Tới nay, Australia ghi nhận hơn 24.000 ca mắc bệnh, trong đó có 462 ca tử vong. 

Cùng ngày, New Zealand thông báo thêm 5 ca mắc, thấp hơn so với mức 6 ca ghi nhận một ngày trước đó. Hiện quốc gia Thái Bình Dương đang nỗ lực dập ổ dịch mới phát hiện tuần trước tại thành phố Auckland lớn nhất cả nước bằng cách tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại thành phố 1,7 triệu dân này. Tới nay, New Zealand ghi nhận hơn 1.300 bệnh nhân, trong đó có 22 ca tử vong và 101 người đang được điều trị.

Theo các số liệu chính thức công bố ngày 20/8, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 1.707 ca mới, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4, nâng tổng số ca  lên tới 228.621 ca. Đức đã bổ sung các điểm du lịch nổi tiếng dọc bờ biển của Croatia gồm Sibenik-Knin và Split-Dalmatia vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao trong khi số ca mắc COVID-19 lại gia tăng trong kỳ nghỉ Hè. Theo đó, những người từ 2 khu vực này trở về Đức phải được cách ly và xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Cũng trong bản cập nhật hướng dẫn đi lại, Luxembourg cùng các khu vực Ialomita, Mehedinti và Timis của Romania đã được đưa ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Ukraine cùng ngày thông báo ghi nhận thêm 2.134 ca mới, mức tăng trong ngày kỷ lục ở nước này, vượt mốc 1.967 ca của ngày trước đó. Số ca mới tại Ukraine đặc biệt tăng mạnh trong tháng 8 bất chấp việc Ukraine tái áp đặt một số hạn chế phòng dịch gần đây. Tổng số cả nhiễm ở nước này đã lên tới 98.537 ca, trong đó có 2.134 ca tử vong.

Trong ngày 20/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết số ca mắc bệnh COVID-19 trung bình theo ngày tại châu lục này đã giảm trong tuần qua, một “dấu hiệu hy vọng” trong cuộc chiến của "Lục địa Đen" chống lại đại dịch này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong nêu rõ số ca mắc trung bình theo ngày trên toàn châu Phi là 10.300 ca, giảm so với con số 11.000 ca tuần trước đó. Tính đến sáng 20/8, châu Phi ghi nhận tổng cộng 1.147.369 ca mắc. Trong đó, Nam Phi chiếm khoảng 50% số ca và hiện là nước có tổng số ca mắc cao thứ 5 tính trên toàn cầu, với 596.060 ca mắc và 12.423 ca tử vong. Số ca được xác nhận trong ngày tại Nam Phi giảm so với mức đỉnh hơn 12.000 ca xuống trung bình 5.000 ca, kéo theo số ca mắc trung bình theo ngày của toàn châu lục đi xuống. Trong khi đó, ông Nkengasong lưu ý các nước tại Tây và Trung Phi hiện cũng cho thấy những xu hướng tương tự. CDC châu Phi cũng như giới chức nhiều nước bày tỏ lạc quan về cuộc chiến chống COVID-19 song duy trì thận trọng trong công tác phòng ngừa đại dịch.

Cũng theo ông Nkengasong, châu Phi đã thực hiện được hơn 10 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, chứng tỏ đã đạt một số tiến bộ đáng kể nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác xét nghiệm của châu lục. Mặc dù vậy, Giám đốc CDC châu Phi thừa nhận tỷ lệ xét nghiệm vẫn còn thấp so với mức cần thiết để thấy được toàn cảnh diễn biến dịch bệnh tại đây.

Thanh Phương (TTXVN)
Thời tiết nóng bức gây lơ là phòng dịch COVID-19
Thời tiết nóng bức gây lơ là phòng dịch COVID-19

Trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới đã trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục. Thực tế này làm dấy lên những quan ngại người dân ở những địa phương này lơ là phòng, chống dịch COVID-19, từ đó khiến dịch bệnh lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN