Thế giới đối phó với hải tặc

Nạn cướp biển đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, đã trở thành mối đe dọa không chỉ với ngành hàng hải mà đối với cả nền kinh tế thế giới. Trước vấn nạn này, hội nghị quốc tế về chống cướp biển, diễn ra mới đây tại Đubai (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), đã tập trung phân tích nguyên nhân, thực trạng cùng những hậu quả của hải tặc và các biện pháp ngăn chặn vấn nạn này.

Trước đây, mục tiêu chủ yếu của bọn cướp biển là của cải trên những con tàu. Nay chúng không chỉ nhắm đến lượng hàng hóa trên tàu mà cả những khoản tiền chuộc khổng lồ mà các chủ tàu phải trả để đổi lấy tự do cho thủy thủ đoàn và con tàu. Hai trong nhiều ví dụ là hải tặc Xômali đã nhận được khoản tiền chuộc 2,5 triệu USD từ chủ con tàu Faina hay 3 triệu USD từ chủ của “siêu” tàu Sirius Star.

Hai tàu chiến của Iran được huy động tham gia chống cướp biển ở vịnh Aden.

Tạp chí Chính trị châu Phi dẫn nguồn tin từ Văn phòng hàng hải quốc tế cho biết, trong vòng 20 năm trở lại đây trung bình mỗi năm xảy ra gần 4.000 vụ cướp biển. Theo tờ Transaction (Angiêri), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra 142 vụ tấn công của cướp biển Xômali, chủ yếu ở Ấn Độ Dương. Ông Jack Lang, cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề pháp lý liên quan đến hải tặc, đã gọi nạn hải tặc là "ngành công nghiệp cướp biển".

Nạn cướp biển ảnh hưỏng trực tiếp đến nền kinh tế vì hàng hải là con đường huyết mạch của thương mại thế giới, đặc biệt là trong chuyên chở dầu mỏ. Trung bình mỗi năm có 16.000 lượt tàu đi lại trên biển, chuyên chở 80% tổng lượng hàng hóa của thế giới.

Cướp biển ngày càng gia tăng hoạt động, nguy cơ tàu bị cướp biển tấn công ngày càng tăng lên nên phí bảo hiểm cho tàu khi đi qua Vịnh Aden, vốn bị xem như "vùng chiến sự", đã tăng lên gấp 10 lần. Thêm vào đó, số tiền chuộc mà chủ tàu phải trả cho bọn cướp biển cũng ngày một tăng. Chưa kể, chủ tàu có thể bị thuỷ thủ đoàn kiện đòi bồi thường vì gây nguy hiểm cho người khác. Vì thế, nhiều chủ tàu đã quyết định bỏ tuyến đường hàng hải truyền thống, đi vòng qua châu Phi. Tuy nhiên, đây là con đường vòng rất xa, mất nhiều thời gian hơn và chi phí cho quá cảnh cũng tăng lên.

Trước thực trạng trên, cộng đồng quốc tế đã phối hợp hành động nhằm ngăn chặn nạn cướp biển, giữ yên một tuyến huyết mạch của thương mại thế giới. Đáng chú ý là cuộc gặp vào tháng 5/2009 tại Yaoundé giữa các bộ trưởng quốc phòng của Camơrun, Gabông, Ghinê Xích đạo, Xao Tômê Prinxipơ và các nước thành viên Cộng đồng kinh tế Trung Phi (CEEAC) để ký thỏa thuận kỹ thuật về lập kế hoạch kiểm soát nhằm bảo đảm an ninh hàng hải trong vịnh Ghinê, gọi là "Vùng D". Hiệp định này xoay quanh 2 vấn đề chính là mở chiến dịch tuần tra hàng hải chung do lực lượng bảo vệ bờ biển 4 nước ký hiệp định tiến hành với sự trợ giúp của máy bay tuần tra bờ biển và thành lập Trung tâm phối hợp đa quốc gia (CMC).

Trước đó, Bộ Quy tắc ứng xử đã được thông qua tại Dibuti vào tháng 1/2009 giữa 9 nước vùng Sừng châu Phi gồm Dibuti, Êtiôpi, Kênia, Mađagaxca, Manđivơ, Xâysen, Xômali, Yêmen và Tandania, bao gồm một chiến lược tổng thể về chống cướp biển và tăng cường an ninh hàng hải.

Về hoạt động răn đe, Liên minh châu Âu (EU) là người tiên phong. Nhiều chiến dịch trên biển như Atalane, Sức mạnh 151, Lá chắn đại dương đã được tiến hành. Chiến dịch Atalante, với sự tham gia của Pháp, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Hy Lạp, Italia, Thụy Điển, Bỉ và Lúcxămbua, đã làm thất bại nhiều vụ tấn công tàu chở hàng của bọn hải tặc. EU còn lập Trung tâm an ninh hàng hải ở vùng Sừng châu Phi, địa điểm có tầm quan trọng sống còn đối với vịnh Aden, với 10-15 tàu chiến thường xuyên tuần tra trong phạm vi rộng. Các nước khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tham gia chống cướp biển.

Ngày 25/8/2010, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã công bố 7 giải pháp, từ tăng cường hỗ trợ tòa án hiện có đến thành lập tòa án quốc tế hay hỗ trợ Xômali thiết lập tòa án ở trong nước hoặc ở một nước láng giềng để truy tố bọn cướp biển.

Theo cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề pháp lý liên quan đến nạn cướp biển - ông Jack Lang, trước mắt cần tập trung nỗ lực giúp Xômali khôi phục Nhà nước pháp quyền và tăng cường hoạt động phát triển kinh tế và tái thiết, tăng thêm các biện pháp pháp lý để xét xử cướp biển một cách có hệ thống. Ông cũng đề nghị các chủ tàu nên tuân thủ khuyến cáo của Tổ chức hàng hải quốc tế về an toàn hàng hải vì khoảng 20% số tàu hoạt động trong vùng bị cướp là do không tuân thủ chỉ dẫn trên. Một giải pháp khác là tăng cường biện pháp tự bảo vệ, kiểm tra kiểm soát thường xuyên hơn ở vùng biển gần bờ và trao đổi thông tin với giới chức các nước trong vùng. Ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xóa bỏ trở ngại pháp lý, khuyến khích các nước đưa cướp biển vào khung xử phạt hình sự, thực hiện biện pháp giam giữ trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, tăng cường các hiệp định chuyển giao tội phạm cướp biển để xét xử, hỗ trợ quốc tế để mở rộng cơ sở giam giữ tội phạm, vận động các quốc gia tham gia xét xử cướp biển.

Ông Jack Lang cũng đề xuất thiết lập một cơ chế chỉ huy chung để đối phó với cướp biển, theo đó Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bổ nhiệm một lãnh đạo cao cấp phụ trách sứ mệnh này. Mục đích cuối cùng, theo ông Jack Lang, là huy động sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế vào cuộc đấu tranh nhằm loại trừ tận gốc nạn cướp biển.

Trần Mạch
(P/v TTXVN tại Angiêri)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN