Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 622.848 ca tử vong trong tổng số 34.733.644 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 409.130 ca tử vong trong số 30.889.453 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 533.546 ca tử vong trong số 19.089.940 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 590 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,3 triệu ca tử vong trong hơn 38,7 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 55,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có hơn 633.500 ca tử vong trong hơn 35,2 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 603.800 ca tử vong trong hơn 41,5 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 153.200 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 151.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.100 người.
Indonesia đã ghi nhận thêm 40.427 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2.567.630 ca kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu tháng 3 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày tại Indonesia vượt mức 40.000 ca, theo đó chính thức đẩy quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với “kịch bản xấu nhất” được chính phủ dự báo trước đó. Indonesia cũng có thêm 891 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 67.355 ca kể từ đầu đại dịch. Làn sóng lây lan thứ 2 của dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Để đối phó với tình hình cấp bách này, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20/7, và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài hai hòn đảo đông dân này.
Tương tự, Bangladesh có thêm 13.768 ca mắc COVID-19 - con số thống kê theo ngày cao nhất từ trước đến nay, trong khi số danh sách tử vong do căn bệnh này cũng nối dài thêm với 220 trường hợp.
Cũng trong ngày 12/7, Bộ Y tế Lào thông báo số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng ở mức 3 con số, với 106 ca . Lào cảnh báo nguy cơ lây lan COVID-19 trong cộng đồng ở nước này rất lớn do số lao động Lào làm việc ở các nước láng giềng trở về nước tiếp tục tăng cao. Trước tình hình trên, các cấp chính quyền của Lào đang xem xét tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn nguy cơ lây lan các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 2.825 ca mắc COVID-19 và 3 ca tử vong.
Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Campuchia đã vượt 61.000 người. Ngày 12/7, Bộ Y tế Campuchia công bố có thêm 911 ca mắc COVID-19, bao gồm 319 ca nhập cảnh và 592 ca lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong cũng tăng thêm 23 ca, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 tại Campuchia lên 925 ca. Nỗi lo ngại lớn đối với Campuchia lúc này là số ca mắc COVID-19 được phát hiện khi nhập cảnh tiếp tục tăng mạnh mỗi ngày.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 5.204 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.478.061 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Philippines cũng tăng lên 26.015 người sau khi có thêm 100 bệnh nhân không qua khỏi. Kể từ dịch COVID-19 khi bùng phát vào tháng 1/2020, Philippines đã xét nghiệm cho hơn 14,5 triệu người trong tổng dân số khoảng 110 triệu người. Tới nay, hơn 3,5 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine. Chính phủ đặt mục tiêu 70 triệu người dân được tiêm đủ liều vaccine trong năm nay tùy thuộc vào nguồn cung vaccine. Theo ông Carlito Galvez, lãnh đạo cơ quan chuyên trách về đại dịch COVID-19, hiện Philippines đã nhận được hơn 20,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của nhiều hãng khác nhau.
Trong khi đó, Thái Lan đã áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 được cho là nghiêm ngặt nhất trong hơn một năm qua tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Nhà chức trách đã lập 145 chốt kiểm dịch tại 10 tỉnh có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, trong đó riêng Bangkok có 88 chốt, nhằm hạn chế tối đa hoạt động di chuyển không thiết yếu của người dân. Người lao động được khuyến cáo làm việc tại nhà, trong khi hệ thống giao thông công cộng phải ngừng hoạt động từ 21h hằng ngày. Ngoại trừ siêu thị, nhà hàng, ngân hàng, hiệu thuốc và cửa hàng thiết bị điện tử, tất cả cơ sở kinh doanh khác đều phải đóng cửa. Người dân cũng không được phép tụ tập quá 5 người cùng lúc. Riêng tại Bangkok, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Các biện pháp hạn chế này có hiệu lực trong hai tuần. Số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan đang tăng vọt do biến thể Alpha và Delta. Ngày 12/7, Thái Lan ghi nhận thêm 8.656 ca mắc COVID-19 và 80 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch đến nay lên 345.027 ca, trong đó có 2.791 ca không qua khỏi. Nước này quyết định sẽ sử dụng vaccine của AstraZeneca để tiêm mũi 2 tăng cường cho những người đã được tiêm chủng mũi đầu bằng vaccine của Sinovac nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh COVID-19.
Hàn Quốc đã ghi nhận ngày thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức trên 1.000, mặc dù số xét nghiệm vào cuối tuần ít hơn ngày thường. Cụ thể, trong số 1.100 ca nhiễm mới, có 1.063 ca lây nhiễm trong nước. Có thêm một người tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc, nâng tổng số lên 2.044 người. Chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 ở khu vực thủ đô Seoul, trong vòng 2 tuần. Theo đó, cấm tụ tập từ 3 người trở lên sau 18h00; các trường học sẽ đóng cửa; hoạt động hiếu hỉ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình. Các cơ sở thể thao, giải trí, trong đó có câu lạc bộ đêm, quán rượu phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng được phục vụ khách đến 22h00. Bản đồ kỹ thuật số của Seoul cũng đã được bổ sung thêm tính năng thể hiện mức độ đông đúc tại các trung tâm xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố. Bản đồ sẽ được cập nhật theo giờ, đồng thời thể hiện thông tin của các trung tâm xét nghiệm, như đã đóng cửa hay chuẩn bị mở cửa.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo bắt đầu được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ 4, trong một nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Biện pháp này kéo dài đến ngày 22/8. Ngoài Tokyo, tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Okinawa, cũng như tình trạng gần như khẩn cấp ở các tỉnh Chiba, Saitama, Kanagawa và Osaka, theo dự biến ban đầu hết hạn vào nửa đêm ngày 11/7, đã được kéo dài đến ngày 22/8. Tình trạng gần như khẩn cấp ở 5 tỉnh khác - Hokkaido, Aichi, Kyoto, Hyogo và Fukuoka - đã hết hạn vào nửa đêm ngày 11/7 theo lịch trình. So với tình trạng khẩn cấp, tình trạng gần như khẩn cấp ít hạn chế hơn đối với hoạt động kinh doanh và nhắm mục tiêu vào các khu vực có nguy cơ cao hơn là toàn bộ địa phương. Tại các khu vực tình trạng khẩn cấp, các cơ sở dịch vụ ăn uống bị cấm phục vụ rượu bia và phải đóng cửa trước 20h00.
Australia thông báo bang New South Wales (NSW) có thêm 112 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. Nguyên nhân khiến các ca nhiễm mới tăng vọt tại NSW là do sự bùng phát của biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh tại Sydney bất chấp thành phố lớn nhất Australia này bước vào tuần thứ 3 áp đặt lệnh phong tỏa. Các biện pháp hạn chế tại Sydney, nơi chiếm 1/5 dân số Australia, đã được thắt chặt vào cuối tuần qua, theo đó người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để tập thể dục trong bán kính 10 km. Các hoạt động tập trung đông người ở không gian ngoài trời cũng hạn chế ở mức 2 người và mỗi hộ gia đình chỉ có 1 người duy nhất có thể ra khỏi nhà hàng ngày để mua các nhu yếu phẩm.
Israel đã bắt đầu cho phép tiêm mũi vaccine của Pfizer/BioNTech thứ ba cho tất cả các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này đang gia tăng trở lại. Theo Bộ Y tế, những đối tượng đủ điều kiện tiêm ngay lập tức vaccine mũi thứ ba bao gồm những người từng bị ghép tim, phổi, thận và một số bệnh nhân ung thư. Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Israel khẳng định: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị ức chế miễn dịch không phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ sau hai liều vaccine". Trước đó, Israel là coi là quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới với vaccine đầu tiên là Pfizer/BioNTech và đã thành công trong việc giảm số ca mắc theo ngày xuống mức một con số vào tháng trước.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12/7 cho rằng các nước không nên đặt mua thêm vaccine để tiêm bổ sung cho những người vốn đã tiêm đủ liều trong bối cảnh nhiều quốc gia khác vẫn chưa có đủ lượng vaccine cần thiết để miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là để bảo vệ các nhân viên y tế, khi mà biến thể Delta ngày một lan rộng.