Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 148.687.724 người trong khi vẫn còn 15.485.230 bệnh nhân đang phải điều trị.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 604.089 ca tử vong trong tổng số 33.896.752 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với 26.799.070 ca, song đứng thứ 3 về số ca tử vong với 304.338 ca, trong đó 50.000 ca được ghi nhận trong 2 tuần trở lại đây. Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 4.454 ca tử vong mới, mức cao thứ hai theo ngày. Không chỉ vật lộn với dịch COVID-19, quốc gia với 1,3 tỷ dân này đang đối mặt với sự lây lan của nấm mucormycosis, hay còn gọi là nấm đen. Theo thống kê của chính phủ, đã có khoảng 5.424 ca đến 8.848 ca mắc nấm đen ghi nhận được trên cả nước, cao hơn nhiều so với mọi năm. Theo các bác sĩ, đa số các ca nhiễm nấm đen là những bệnh nhân COVID-19 và đây là những người sử dụng nhiều thuốc chứa steroids -một trong những lý do khiến nguy cơ nhiễm nấm mucormycosis càng cao.
Trong khi đó, với 16.083.573 ca mắc và 449.185 ca tử vong, Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc và đứng thế 2 thế giới về số ca tử vong.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 21 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, gồm 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Sau hơn 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 tại Lào với 9 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này cho thấy tình hình dịch vẫn còn phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Trước tình hình này, chính quyền thủ đô Viêng Chăn đã có quy định mới về việc cấp phép ra vào thành phố, theo đó mọi cá nhân, tổ chức, pháp nhân cả Lào và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Viêng Chăn muốn ra vào thành phố phải được Ủy ban chuyên trách về phòng chống dịch bệnh COVID-19 cấp phép.
Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.822 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.133 người và chỉ ghi nhận 2 ca tử vong.
Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 556 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 15 ca nhập cảnh và 540 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19 và 658 người đã bình phục.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Phnom Penh, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 23/5 cho biết sẽ xem xét tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô nếu chính quyền phát hiện người dân địa phương và người nước ngoài không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, nếu số ca mới không giảm và người dân vi phạm hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế về đeo khẩu trang, xịt cồn kháng khuẩn và đảm bảo giãn cách, lệnh giới nghiêm có thể được áp dụng trở lại. Ông Khuong Sreng cũng cho biết sẽ yêu cầu giới chức 14 quận tiến hành kiểm tra các nhà hàng và các điểm giải trí về thực hiện các quy định y tế.
Cùng ngày, giới chức Thái Lan đã xác nhận một ổ dịch COVID-19 mới liên quan đến công trường xây dựng tuyến tàu điện trên cao ở tỉnh Nonthaburi giáp với thủ đô. Các mẫu xét nghiệm của 900 công nhân được lấy ngày 22/5 và kết quả xác nhận ngày 24/5 cho thấy có 519 công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Nhà chức trách Thái Lan nói rằng hầu hết các công nhân tại công trường là người nhập cư và sẽ được cách ly tại công trường, trong khi những công nhân người Thái Lan sẽ được đưa tới bệnh viện dã chiến. Công trường này đã được yêu cầu đóng cửa từ tối 24/5.
Trong những ngày qua, Thái Lan đã phát hiện nhiều ổ dịch COVID-19 ở các công nhân xây dựng tại thủ đô Bangkok. Nhà chức trách tuần trước cũng phát hiện 36 ca nhiễm biến chủng virus B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ với khả năng lây lan cao hơn trong các khu nhà của công nhân xây dựng ở Bangkok.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Thái Lan đã vượt 800 do có thêm 30 người không qua. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 806 ca tử vong trong tổng số 132.213 ca mắc. Đợt bùng phát COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4 đến nay chiếm gần 80% số ca nhiễm bệnh ở Thái Lan và gần 90% số ca tử vong từ trước tới nay.
Liên quan đến vấn đề vaccine, cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước đóng góp vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX để có đủ vaccine tiêm cho 10% dân số của tất cả các nước trước cuối tháng 9 và đạt 30% dân số của tất cả các nước vào cuối năm nay. Ngoài việc kêu gọi chia sẻ vaccine, ông Tedros cũng bày tỏ sự biết ơn đối với khoảng 115.000 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe đã tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu nổ ra. Ông cho biết gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe khắp thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết và họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì những người khác.
Còn tại Nhật Bản, nước này đã chính thức triển khai hai trung tâm tiêm phòng vaccine COVID-19 quy mô lớn tại thủ đô Tokyo và thành phố Osaka kể từ ngày 24/5. Trong giai đoạn đầu, đối tượng ưu tiên tiêm chủng là người cao tuổi sinh sống tại 23 quận thuộc Tokyo và thành phố Osaka. Kể từ ngày 31/5, trung tâm tiêm chủng tại Tokyo tiếp nhận các đối tượng sinh sống tại ba tỉnh lân cận là Saitama, Kanagawa, Chiba, trung tâm tiêm chủng tại Osaka tiếp nhận thêm đối tượng tiêm chủng từ Kyoto và Hyogo. Nhật Bản hy vọng các trung tâm tiêm chủng mới thành lập có thể tiêm cho 10.000 người/ngày ở Tokyo và 5.000 người/ngày ở Osaka, qua đó giúp đáp ứng mục tiêu đến cuối tháng 7 hoàn tất tiêm phòng cho những người trên 65 tuổi.
Trong khi đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) sẽ tiêm vaccine cho 20.000 người có kế hoạch tranh tài hoặc phục vụ trong Olympic Tokyo vào mùa Hè này nhằm đảm bảo sự kiện thể thao này diễn ra an toàn giữa đại dịch COVID-19.