Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 603.877 ca tử vong trong tổng số 33.882.449 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với 26.530.132 ca, song đứng thứ 3 về số ca tử vong với 299.296 ca. Chính phủ Ấn Độ cho biết số ca nhiễm mới hằng ngày tại nước này đang giảm sau khi ghi nhận mức đỉnh vào ngày 9/5 vừa qua, trong khi số ca xét nghiệm ở mức cao nhất, với khoảng 2,1 triệu xét nghiệm được thực hiện trong 24 giờ qua.
Ngày 23/5, Ấn Độ ghi nhận 240.842 ca nhiễm mới và 3.741 ca tử vong trên cả nước trong vòng 24 giờ. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất mà nước này ghi nhận trong hơn 1 tháng qua. Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal ngày 23/5 cho biết thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vào tuần tới nếu số ca nhiễm mới tại thành phố này tiếp tục giảm.
Trong khi đó, với 16.047.439 ca mắc và 448.291 ca tử vong, Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc và đứng thế 2 thế giới về số ca tử vong.
Tại khu vực châu Á, ngày 23/5, Campuchia ghi nhận 560 ca mắc mới và 9 ca tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 25.205 ca mắc COVID-19, trong đó 17.701 người đã hồi phục và 176 người tử vong. Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại ở nhiều tỉnh của Campuchia. Chính quyền tỉnh Banteay Meanchey (giáp Thái Lan) đã phong tỏa thành phố vùng biên Poipet để phòng chống dịch từ ngày 23/5-7/6.
Tại tỉnh Kandal giáp thủ đô Phnom Penh, chính quyền địa phương đã phong tỏa một làng thuộc xã Sampow, huyện Koh Thom và nâng cấp quản lý các “Khu vực Vàng và Đỏ” để kiểm soát dịch. Ở Kampong Thom, các cơ quan chức năng vừa phát hiện 22 ca nhiễm mới COVID-19 qua xét nghiệm nhanh, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên 158 người.
Tính đến ngày 21/5, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 2.226.446 người sau khi khởi động chiến dịch từ ngày 10/2/2021.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 19 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó chỉ có 4 ca nhiễm cộng đồng, còn lại đều là các trường hợp nhập cảnh và được cách ly ngay. Mặc dù số ca nhiễm cộng đồng tiếp tục giảm, song số bản và phường bị đưa vào danh sách "vùng đỏ" tại thủ đô Viêng Chăn tăng do phát hiện các ca nhiễm mới. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.801 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.074 người và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Malaysia ngày 23/5 ghi nhận thêm 6.976 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Bộ Y tế Malaysia cho biết Selangor tiếp tục là bang đứng đầu về số ca mắc mới COVID-19 với 2.236 ca. Số ca mắc mới ở thủ đô Kuala Lumpur ngày 23/5 là 447 ca, giảm mạnh so với mức 654 ca ghi nhận hôm trước.
Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 512.091 ca mắc COVID-19. Chính phủ Malaysia quyết định từ ngày 25/5-7/6 sẽ thắt chặt biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm quy định 80% nhân viên công vụ và 40% lao động khối tư nhân làm việc tại nhà, cắt giảm thời gian hoạt động của đại đa số lĩnh vực kinh tế, quy định người dân chỉ được ở nơi mua sắm tối đa 2 tiếng đồng hồ.
Với hơn 1,7 triệu ca mắc và 49.000 ca tử vong, Indonesia hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á. Trong ngày 23/5, giới chức nước này thông báo ghi nhận 42 nhân viên y tế mắc COVID-19. Những người này đã điều trị cho 13 thủy thủ Philippines nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 có ký hiệu B.1617.2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Những thủy thủ này đi trên con tàu Hilma Bulker treo cờ Philippines, vận chuyển đường tinh luyện từ Ấn Độ và cập cảng Trung Java ngày 25/4 vừa qua. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực truy vết khoảng 140 nhân viên y tế khác có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với nhóm thủy thủ trên.
Bộ Y tế Philippines cùng ngày ghi nhận 3.083 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.179.812 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng lên 19.951 người sau khi có thêm 38 bệnh nhân không qua khỏi.
Tại Thái Lan, nhà chức trách thông báo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới sau khi phát hiện 3 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Các ca nhiễm này là lây nhiễm trong cộng đồng và xuất phát từ các vụ vượt biên trái phép. Tại thủ đô Bangkok, nhà chức trách cấm người lao động di chuyển ra khỏi các khu nhà tạm dành cho các công nhân xây dựng sau khi phát hiện 11 khu nhà nằm trong số 30 ổ dịch trên địa bàn thành phố. Trong ngày 23/5, Thái Lan ghi nhận thêm 3.382 ca mắc mới COVID-19 và 17 ca tử vong do bệnh này, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 129.500 ca và 776 ca.
Tại Nhật Bản, ngày 23/5, tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực ở tỉnh Okinawa, miền Nam nước này, nâng tổng số tỉnh, thành nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ở nước này lên con số 10. Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp ở Okinawa sẽ có hiệu lực tới ngày 20/6, dài hơn so với tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng ở 9 tỉnh, thành khác. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu sẽ sớm lắng dịu, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh Hokkaido, Aichi, Kyoto, Osaka, Hyogo, Okayama, Hiroshima, Fukuoka, khi biện pháp này sắp hết hạn vào ngày 31/5. Tới nay, Nhật Bản đã ghi nhận 714.274 ca mắc, trong đó có 12.236 ca tử vong.
Tại Trung Đông, Israel ngày 23/5 đã mở cửa cho du khách nước ngoài nhằm vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm. Theo đó, Israel sẽ bắt đầu tiếp nhận các nhóm nhỏ du khách đến từ những nước sử dụng các vaccine đã được cấp phép. Theo chương trình thử nghiệm này, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 15/6 tới, 20 nhóm du khách có từ 5 đến 30 người đến từ các nước như Mỹ, Anh và Đức sẽ được phép nhập cảnh Israel. 20 nhóm tiếp theo sẽ được đưa vào danh sách chờ nếu bất kỳ nhóm nào trong 20 nhóm đầu tiên không đáp ứng được các điều kiện của Israel. Chính phủ Israel cho rằng việc mở cửa cho các du khách đi theo từng nhóm nhỏ là cách tốt nhất để ngăn chặn dịch lây lan.